Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh Kiên Giang, 9 tháng đầu năm 2023, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Hàng trăm lao động là người DTTS được đào tạo các ngành, nghề như xây dựng, trang điểm, điện dân dụng, điện lạnh, tin học văn phòng, đan sản phẩm thủ công...
Người lao động học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo. Riêng người học nghề thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo… được hỗ trợ thêm các khoản như: tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên… Kết quả sau đào tạo nghề và liên kết tư vấn, giải quyết việc làm 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang có gần 30.000 lao động có việc làm, đạt 84,5% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đã kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng DTTS, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với người học, tỉnh và ngành giáo dục đã thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hệ cử tuyển... Ngoài ra, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú còn được thụ hưởng chính sách theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhờ thực hiện tốt các chính sách, nhiều trường dân tộc nội trú trong tỉnh Kiên Giang cũng đang nâng dần chất lượng dạy và học.
Phó Trưởng Phòng LĐ- TB&XH huyện An Biên, Trần Kiên Giang cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, huyện An Biên đã tổ chức thành công 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 200 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Các lĩnh vực đào tạo gồm điện dân dụng, điện lạnh, trang điểm, kỹ thuật xây trát công trình, tin học văn phòng.... với kinh phí tổ chức khoảng 500 triệu đồng. Việc đào tạo nghề ngắn hạn giúp nhiều lao động nông thôn, trong đó có thanh niên DTTS nâng cao tay nghề, có thêm kiến thức, dễ dàng tìm kiếm việc làm, mạnh dạn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương thay vì bôn ba mưu sinh ở đất khách.
Với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ tháng 4 đến 8/2023, Phòng LĐ- TB&XH huyện An Biên đã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức lớp dạy nghề điện dân dụng cho 30 học viên DTTS trên địa bàn ấp Năm Chùa, xã Nam Thái. Sau học nghề, nhiều học viên có việc làm thêm, thu nhập ổn định.
Anh Danh Thành, ngụ ấp Năm Chùa, xã Nam Thái, huyện An Biên chia sẻ: Không có ruộng đất sản xuất, gia đình tôi sống bằng nghề làm thuê và photo, in thiệp tại nhà. Sau khi học nghề, tôi biết sửa chữa, lắp đặt các thiết bị liên quan đến điện năng, đồ dùng điện như bếp từ, bếp điện, quạt điện, lò vi sóng, hệ thống điện trong gia đình. Tôi sửa chữa, lắp đặt điện cho khách có thêm thu nhập lo cho gia đình.
Cũng được tham gia lớp học nghề như anh Danh Thành, anh Danh Quốc Đệ, ngụ ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi để tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi tôm càng xanh do Phòng LĐ- TB&XH huyện Vĩnh Thuận phối hợp Trường Trung cấp nghề vùng U Minh Thượng tổ chức.
"Tham gia học nghề tôi được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ao đất, cách làm ao nuôi, chọn giống, thức ăn, chăm sóc tôm; biện pháp phòng và điều trị các bệnh thường xảy ra trên tôm càng xanh. Áp dụng kiến thức được học vào nuôi tôm càng xanh giúp tôi tiết kiệm chi phí và tăng năng suất. Vụ vừa qua tôi nuôi tôm cho năng suất hơn 500kg/ha, với giá bán từ 120.000-170.000 đồng/kg, tôi đã thu lợi nhuận gần 150 triệu đồng", Anh Đệ phấn khởi:
Được biết, từ đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Thuận đã phối hợp các đơn vị tổ chức thành công 9 lớp đào tạo nghề cho 233 lao động nông thôn, trong đó có 93 người DTTS tham gia. Sau quá trình nỗ lực đào tạo nghề, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huyện Vĩnh Thuận đã giúp gần 3.000 lao động có việc làm ổn định, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Hiện hộ nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận giảm còn 666 hộ, chiếm 2,81%, trong đó có 116 hộ nghèo là người DTTS.
Chia sẻ về những giải pháp trọng tâm trong việc triển khai đào tạo nghề, ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Kiên Giang cho biết: Xác định lao động nông thôn nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng là nguồn nhân lực nòng cốt, quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian tới, Sở LĐ- TB&XH tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức đào tạo từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023. Đồng thời, coi nhiệm vụ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chiến lược công tác dân tộc của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023. “Tỉnh Kiên Giang cũng sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, giúp thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, vươn lên xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống”, ông Đặng Hồng Sơn nhấn mạnh.
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho thấy, từ năm 2010 đến nay mỗi năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người DTTS, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp đã giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào DTTS. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, dạy học, hỗ trợ đào tạo nghề và cử tuyển trong đồng bào DTTS, đến nay tỉnh Kiên Giang có 3.895 đảng viên, 2.912 cán bộ, công chức là người Khmer. Toàn tỉnh có 277 đảng viên người Khmer tham gia các cấp ủy; có 1 đại biểu Quốc hội, 372 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp…