Những mô hình tiêu biểu
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) là nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đây cũng là một trong những địa phương mà người dân còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, đặc biệt là hát Páo dung.
Không chỉ gìn giữ những làn điệu dân ca như một báu vật vô giá, cộng đồng người Dao còn tận dụng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, hòa quyện với cảnh sắc địa phương để phát triển du lịch, hấp dẫn du khách.
Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Để phát triển du lịch, xã đã xây dựng kế hoạch thành lập các đội quản lý về phát triển du lịch và các câu lạc bộ (CLB) hát Páo dung. Những tiết mục truyền thống của người Dao Tiền đã được các nghệ nhân tập luyện tích cực, để cuối tuần biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
Cũng theo ông Dũng, ngoài CLB tại các bản làng, xã còn thành lập các CLB tại các trường học và mời các nghệ nhân của xã đến truyền dạy. Học sinh thường mặc trang phục dân tộc vào ngày đầu tuần và cuối tuần. Nhờ vậy, các em thêm yêu nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tự hào quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè bốn phương.
Còn đối với địa phương có hoạt động du lịch nổi tiếng như Đồng Văn, Hà Giang, cũng đã gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa. Tại thị trấn Đồng Văn đã có một nhóm các bạn trẻ là thanh niên DTTS thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau như: Dân tộc Mông, Lô Lô, Hoa, Tày… thành lập nhóm nghệ thuật “Hoa núi” tạo được sự hấp dẫn đối với du khách.
Bạn Hoàng Thanh Vinh, Trưởng nhóm cho biết: Nhóm là tập hợp của các bạn trẻ có đam mê gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, do đó, tất cả các tiết mục đều là những làn điệu dân ca, đặc sắc của các dân tộc và do các thành viên trong nhóm dàn dựng và biểu diễn.
Ngoài biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch trong các nhà hàng, khách sạn, các Homestay trong khu vực Đồng Văn, nhóm “Hoa Núi” còn được mời biểu diễn ở nhiều chương trình lớn như: Lễ hội Hoa tam giác mạch, Lễ hội Khèn Mông thường niên của huyện; hội chợ xuân; biểu diễn tại các Hội chợ xúc tiến du lịch tại Hà Nội,… Mỗi buổi biểu diễn nhóm được trả tiền công biểu diễn từ 2-2,5 triệu đồng mang lại thu nhập và hứng khởi cho các thành viên trong nhóm.
Hay như ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), để bảo tồn làn điệu Sli các nghệ nhân ở đây đã tự tổ chức dạy hát để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Từ năm 2017, CLB Điếp Sli Then của xã Thụy Hùng do nghệ nhân Hà Mai Ven đứng ra thành lập.
Bà Ven cho biết: Làn điệu Sli rất khó học, hơn nữa, đa phần giới trẻ không biết tiếng dân tộc Nùng nên phát âm không chuẩn, do đó càng khó hơn. Ban đầu khi mới tiếp cận làn điệu Sli, các cháu không thích học, tuy nhiên mình phải tuyên tuyền làm sao để các cháu thấy được giá trị của Sli, việc học Sli là việc bổ ích, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm đam mê Sli và chủ động trong việc học, khi đó thì việc dạy trở nên dễ dàng hơn.
Cách làm hiệu quả của CLB là các hội viên trong CLB sẽ phụ trách dạy cho chính con, cháu của mình khi ở nhà, bồi đắp hằng ngày qua tiếng nói dân tộc, những câu ca nhẹ nhàng và khi đến lớp các cô lại ôn luyện lại lần nữa.
Theo bà Ven, Sli là làn điệu dân ca uyển chuyển mềm mại, ngọt ngào qua cách luyến láy, giọng hát, giọng bè hòa quyện vào nhau. Có lẽ vì thế, nên hát Sli mặc dù không có nhạc cụ, hay điệu múa đi kèm, nhưng vẫn lôi cuốn người nghe. Khi mình khiến cho người học trở nên yêu và đắm say thì họ sẽ tự tìm đến mình xin học.
Cần có giải pháp bảo tồn bài bản
Thời gian qua, việc bảo tồn bản sắc văn hóa DTTS cũng như các di sản dân ca đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía. Tuy nhiên, công tác bảo tồn các di sản dân ca DTTS ở nhiều địa phương vẫn còn gian nan.
GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: Hiện nay các di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS đang đứng trước nguy cơ thất truyền, trong đó có các loại hình dân ca, dân vũ. Chúng ta cần có những giải pháp cấp bách để bảo vệ nó, đầu tiên phải xây dựng ngân hàng dữ liệu, phải tư liệu hóa: Ghi âm, ghi hình để lưu lại, sau đó để nghiên cứu.
Theo ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Bình Liêu (Quảng Ninh): Muốn hấp dẫn hơn với đối tượng người trẻ tuổi, trước hết mình phải làm cho người trẻ tuổi hiểu được ý nghĩa của lời ca ấy. Nhiều lời ca cổ, nhưng người nghe vẫn thấy hấp dẫn, vẫn muốn nghe, bởi những triết lý sâu sắc từ lời ca ấy.
Có nghĩa là, khơi gợi niềm đam mê từ những người lớn tuổi, là các bà, các mẹ, các ông, họ có sự hiểu biết và niềm đam mê sẵn có nhưng bị lãng quên. Nhiệm vụ là phải khơi gợi niềm đam mê ấy trong chính họ, tập hợp họ lại và để họ trao truyền cho chính con, cháu của họ…
Giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho rằng: Cần phát huy việc dạy hát trong gia đình, trong nhà trường cần phải có giờ dạy hát dân ca. Cứ như thế, nghệ thuật âm nhạc truyền thống mới thấm dần vào đời sống của đồng bào.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của DTTS, có chính sách nhưng chưa bảo đảm điều kiện thực thi, nhất là về tài chính. Thiếu kết nối đồng bộ giữa các chính sách, chưa thực sự toàn diện và phù hợp, chưa quan tâm nhiều tới vai trò chủ thể của các di sản. Chưa có chương trình dự án tổng thể trong phạm vi cả nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc của đồng bào các DTTS, dẫn đến thiếu thống nhất về định hướng, về môi trường, thể chế cũng như mục tiêu phương thức hành động…
Mới đây, để bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2475/QĐ-BVHTTDL tuyên truyền công tác bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ truyền thống của các DTTS trên các kênh phát thanh, truyền hình…
Hy vọng từ sự quan tâm của các đơn vị chức năng, từ những giải pháp cụ thể, sẽ phát huy các giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của từng dân tộc. Các di sản dân ca của mỗi dân tộc chính là tài sản quý giá, là niềm tự hào của dân tộc, cần phải được gìn giữ.