Gìn giữ dân ca...
Đồng bào Mnông hiện đang sở hữu nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc như: Tín ngưỡng, sử thi, văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật múa dân gian, nghệ thuật kiến trúc, ẩm thực, trang phục dân tộc và cả trong thiết chế để duy trì sự ổn định của cộng đồng...
Trong đó nổi bật là những làn điệu dân ca giàu chất trữ tình, với lời mộc mạc, thấm đẫm tình yêu thương, có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa sinh hoạt, lao động của đồng bào, đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian năm 2020.
Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như những làn điệu dân ca đồng bào Mnông không bị mai một, cơ quan chuyên ngành của tỉnh, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và duy trì giá trị văn hóa này. Trong đó, các địa phương tích cực khảo sát, tuyên truyền và phối hợp với các xã mở các lớp truyền dạy; đồng thời, khuyến khích tổ chức, lồng ghép việc thể hiện các làn điệu dân ca Mnông trong các ngày hội địa phương.
Những năm qua, ngành Văn hóa cũng đã xây dựng 4 chương trình hoạt động cho hai bon văn hóa điển hình là bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa). Bên cạnh đố, tổ chức 14 lớp truyền dạy dân ca tại các huyện, thành phố với 300 người tham gia, hiện đã có 7 đội văn nghệ dân gian điểm được thành lập.
…để nuôi dưỡng khát vọng
Bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) là thôn điển hình được chọn làm điểm lưu giữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào trên địa bàn tỉnh. Hầu hết người Mnông ở bon Pi Nao, ngay từ nhỏ đã xem dân ca như món ăn tinh thần không thể thiếu. Đặc biệt, trên địa bàn có những nghệ nhân miệt mài truyền dạy dân ca Mnông cho lớp trẻ và đồng bào, như Nghệ nhân Ưu tú Y Nhép.
Nghệ nhân cho hay: “Đối với đồng bào Mnông chúng tôi, dân ca là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn, vui buồn. Dân ca như một lời ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng hơn. Cho dù ở đâu, làm gì thì tôi cũng hát dân ca”.
Hay như nghệ nhân Y Tư, từ lúc 14 -15 tuổi, ông đã thuộc lòng các bài hát, làn điệu dân ca. Ông thường xuyên tham gia hát trong lễ hội, hoạt động văn hoá của địa phương, của tỉnh và Trung ương tổ chức.
Với niềm đam mê của mình, nghệ nhân Y Tư không chỉ thường xuyên hát dân ca, mà còn nỗ lực cùng với địa phương bảo tồn những làn điệu dân ca Mnông truyền thống. Ông tích cực tham gia các lớp truyền dạy dân ca do xã, huyện mở và chỉ dạy hết sức tận tình cho những người trung niên, người trẻ trong bon từng câu hát, từng giai điệu dân ca từ đơn giản đến phức tạp.
“Nay đã 57 tuổi, có nhiều bài dân ca tôi còn nhớ nên sẽ góp sức truyền dạy lại cho anh em, con cháu bảo tồn, để giữ cho làn điệu dân ca luôn được vang mãi cùng khát vọng và tình yêu thương trong mỗi con người”, nghệ nhân Y Tư bộc bạch.
Theo rà soát, thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 169 người biết hát dân ca của người Mnông. Trong đó, khoảng 20 nghệ nhân có thực hành và truyền dạy dân ca Mnông.
Nghệ nhân cho biết, trong những lần truyền dạy, ông còn tranh thủ trò chuyện, tuyên truyền khơi gợi được nhận thức, lòng tự hào trong các em học sinh tham gia lớp học, về cái đẹp, cái chân thiện mỹ, phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình để bảo tồn; cũng như việc phát huy giá trị bản sắc văn hoá trong đời sống, phát triển kinh tế... Từ đó, đồng bào thấy được cái hay, cái lợi từ tiềm năng sẵn có để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
“Qua lời dân ca Mnông, tôi cũng học hỏi được nhiều thứ trong cuộc sống. Bản thân tôi và nhiều thế hệ trẻ trong bon cũng muốn học lại những bài dân ca M’nông. Vì vậy, khi xã và huyện mở lớp học dân ca, tôi cũng đăng ký tham gia”, chị Thị Téch, buôn Pi Nao chia sẻ.