HTX Nông - Lâm nghiệp Nam Hà (tại thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút), trong nhiều năm nay đã liên kết với hơn 300 hộ dân (chủ yếu là đồng bào DTTS) để trồng gấc. HTX thu mua gấc của thành viên với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 4 tấn/vụ, chưa trừ chi phí, người trồng sẽ thu về khoảng 24 triệu đồng/sào. Mỗi năm, 1 ha gấc, nông dân có lời từ 100 - 150 triệu đồng.
Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông – Lâm nghiệp Nam Hà chia sẻ, với vùng nguyên liệu rộng lớn hiện lên đến 150ha, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bằng dây chuyền máy móc hiện đại, HTX đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm như: Dầu gấc nguyên chất, hóa mỹ phẩm gấc, viên nang gấc, màng gấc, bột gấc đông lạnh, phở gấc, bún gấc, bánh tráng gấc…
Với diện tích hiện có, năng suất bình quân 20-30 tấn quả/ha, mỗi năm, sản lượng gấc của HTX đạt 3.000 tấn, doanh thu của thành viên và nông hộ đạt hơn 21 tỷ đồng. Trong số 300 hộ nông dân đang liên kết trồng gấc với HTX, những năm gần đây, mỗi năm có từ 15 - 20 hộ thoát nghèo.
Với hướng đi đúng đắn, ông Định cho biết, những năm tới HTX đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu trồng gấc lên 400ha, đảm bảo việc làm ổn định cho 800 lao động, chủ yếu là đồng bào DTTS nghèo ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Tương tự, là câu chuyện tại HTX Sản xuất đậu nành xã Nam Dong. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX, đến thời điểm hiện tại, HTX liên kết hợp tác sản xuất đậu nành với Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Công ty Vinasoy), với quy mô hơn 135 ha của hơn 100 hộ thành viên.
"Nông dân được Công ty ký kết giá bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Do đó, khi kết thúc vụ, nếu giá cả thị trường có biến động xuống, Công ty vẫn mua đúng giá cam kết. Còn nếu giá biến động tăng, các bên sẽ ngồi lại thoả thuận với nhau", ông Trung cho biết.
Đứng trên mảnh đất màu mỡ rộng hơn 1ha, ông Đặng Quang Triều (trú tại thôn 14, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút) hồ hởi cho biết, đã nhiều năm nay, gia đình ông liên kết sản xuất đậu nành với Công ty Vinasoy. Khi tham gia liên kết, ông và người thân không những được công ty cung cấp giống đậu nành chất lượng, các nhân viên kỹ thuật của công ty đến tận vườn hướng dẫn quy trình chăm sóc đạt chuẩn, mà còn được kí cam kết bao tiêu sản phẩm. Công ty công bố giá thu mua sản phẩm ngay từ đầu vụ. Do đó, việc sản xuất đậu nành đã không còn lo đầu ra, giá cả cũng rất yên tâm.
Tương tự, ông Phạm Văn Duẫn, ở thôn 14, xã Đắk Drông, có 1,5 ha đất trồng cây đậu nành. Theo ông Duẫn, giống đậu nành do Công ty Vinasoy cung cấp có khả năng kháng bệnh tốt, nên ông rất yên tâm sản xuất. Trong 90 ngày sản xuất, 1 ha đậu nành của gia đình ông cho doanh thu 60 triệu đồng, còn chi phí đầu tư chỉ hơn 10 triệu đồng.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư Jút cho biết, toàn huyện hiện có 25 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Các HTX đều phát huy được vai trò kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn. Các thành viên HTX được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất.
Có thể nói, những năm qua, huyện Cư Jút đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia và thoát nghèo bền vững. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS), từ đó giúp đời sống của bà con trong huyện được nâng lên về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng được kéo giảm. Trong năm 2022, toàn huyện có 1.183 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,33%, huyện đang nỗ lực để năm 2023 giảm tỷ lệ này xuống còn 3,17%.