Nghệ nhân Tou Neh Ma Bio ở bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) được xem là một “bảo tàng sống” lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru. 15 năm qua, bà đã “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ, làm hồi sinh các vũ điệu cổ, giữ tiếng cồng, chiêng mãi âm vang. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của huyện Đơn Dương được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 sắp tới.
Đinh A Ngưi ở làng KGiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai) - một chàng trai Ba Na rắn rỏi, tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng, tiên phong làm du lịch cộng đồng ở buôn làng. A Ngưi đã tìm cho mình một lối đi riêng, khác biệt, đúng “chất” Ba Na.
Nghệ nhân Dân gian Lê Hải Thanh, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được coi là họa sĩ của dân tộc Dao bởi ông là một trong số ít những thầy cúng biết vẽ tranh thờ. Nhiều năm qua, người Dao ở Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ… đều tìm đến nhờ ông vẽ bộ tranh để đặt trang trọng lên bàn thờ.
Cha mất sớm khi anh chị em chúng tôi đều còn nhỏ dại. Mình mẹ lo cáng đáng việc dạy dỗ, nuôi dưỡng sáu đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi học. Vất vả trăm bề nhưng không khi nào thấy mẹ hé răng than thở. Biết mẹ vất vả nên lũ nhỏ chúng tôi không dám vòi vĩnh mè nheo gì mỗi dịp lễ Tết.
Ngày 12/8 âm lịch hàng năm, đồng bào Tày, Nùng rộn ràng đi trẩy hội Háng Pỉnh hay còn gọi là “hội bánh nướng”. Đến với hội Háng Pỉnh, người Tày, Nùng không chỉ mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, biếu bà Tai (bà ngoại) tỏ lòng hiếu lễ mà chủ yếu là hát giao duyên.
Tháng 9 năm 2015, Liên hợp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 để thay thế cho Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Trong đó, di sản văn hóa được xác định là trụ cột của phát triển bền vững. Và câu chuyện làm thế nào để hài hòa giữa khai thác, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển bền vững đang được đặt ra tại vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn.
Đầu tháng 9, trong chuyến công tác tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), chúng tôi đã có dịp đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Tại đây, có nhiều nhóm văn nghệ phục vụ khách du lịch, trong đó có không ít nhóm then với những thành viên còn rất trẻ, nhưng biểu diễn khá chuyên nghiệp. Họ chính là học trò của các lớp học “không đồng”, do cô Lý Thị Ngoan, dân tộc Tày truyền dạy.
Cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức, không đơn thuần chỉ là âm nhạc, mà còn mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, là ngôn ngữ giúp kết nối con người với thiên nhiên… Đây chính là lý do để Nghệ nhân H’Ríu Hmok ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) luôn trăn trở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng nữ.
Tục ở rể là một trong những phong tục tập quán truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, thường gặp nhất ở dân tộc Dao. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, phong tục này tưởng chừng không còn phù hợp, nhưng hiện nay, ở các vùng núi cao và xa trung tâm thành thị, tục ở rể vẫn tồn tại cùng với quan niệm mẫu hệ rất rõ.
Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận sống trong các làng (palei), mỗi làng có vài họ (gơp), mỗi gơp có một Kut (nghĩa trang tộc họ mẹ bên Chăm Ấn Độ giáo) hay Ghur (nghĩa trang tộc họ mẹ bên Chăm Bàni).
Nghệ nhân Lê Thị Lộc, thôn Nam, xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) là cái tên quen thuộc đối với người dân vùng đất Vạn Ninh bởi gần cả cuộc đời bà gắn bó với môn nghệ thuật dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình (HNT-HMCĐ).
Bảo tàng không gian văn hóa Mường nằm trên con đường Tây Tiến đi Thung Nai thuộc địa phận Phường Thái Bình, TP. Hòa Bình (Hòa Bình), đây là bảo tàng tư nhân do họa sĩ Vũ Đức Hiếu xây dựng với mục đích lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Hơn 10 năm nay, ông A Tân ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy đã biến những khúc gỗ khô thành những bức tượng sống động, có hồn. Đam mê tượng gỗ, ông dành nguyên một khu vườn rộng để tạc và trưng bày tượng. Khu vườn tượng của ông như một câu chuyện khá đầy đủ về đời sống cũng như sinh hoạt văn hóa của người Ba Na.
Nhiều người khi nghỉ hưu thường về chăm sóc cháu, con, ruộng vườn hay đi du lịch đó đây, nhưng nhà giáo, nhà thơ Nga Ri Vê, dân tộc Hrê từ khi nghỉ hưu đến nay vẫn miệt mài làm thơ, sưu tầm, biên soạn in sách, viết báo về văn hóa truyền thống các DTTS. Bà là nhà nghiên cứu, bảo tồn văn hóa các DTTS ở miền Tây Quảng Ngãi.
Từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên luôn được đông đảo người yêu âm nhạc đón nhận, trân trọng; có sức sống bền bỉ, mang đặc trưng riêng trong nền âm nhạc Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, sự phong phú của thể loại âm nhạc đặc trưng, có giá trị nghệ thuật cao này vẫn luôn trường tồn và cần tiếp tục được đầu tư khai thác.
Vùng Trường Sơn-Tây Nguyên là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số anh em. Núi rừng nơi đây có nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại thảo mộc có thể khai thác làm nguyên liệu để duy trì nghề thủ công truyền thống, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như làm quà lưu niệm. Trong số đó, vật dụng phổ biến và hữu dụng nhất của đồng bào là chiếc gùi, đặc biệt là gùi 3 ngăn dành cho nam giới, được xem là “ba lô” của trai làng.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống cùng sự phát triển của xã hội, nhiều hộ dân người Gia Rai ở làng Kleng (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) vẫn gìn giữ được bản sắc riêng, sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình. Xen kẽ với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố bằng gạch và xi măng là những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ theo lối kiến trúc truyền thống của người Gia Rai góp phần tô đẹp thêm cho ngôi làng.
Thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Nà Hang) có 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, chiếm 40% dân số trong thôn. Cùng với sự phát triển kinh tế, những người phụ nữ nơi đây luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao đỏ đang được những người phụ nữ trong thôn hàng ngày gìn giữ.
Hòa Bình được biết đến là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống… Trong đó, loại hình nghệ thuật múa chuông của đồng bào dân tộc Dao (Đà Bắc) đã tạo nét riêng độc đáo, đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa các dân tộc.
Nếu du khách có dịp ghé thăm núi lửa Chư Đăng Ya ở huyện Chư Păh, Gia Lai thì đừng quên ghé thăm một nhà thờ đặc biệt ở cách đó không xa. Đó là nhà thờ H’Bâu, một điểm thờ cúng tâm linh của đồng bào J’rai từ bao đời nay.