Nặng tình với văn hóa Cơ Tu
Bhling Hạnh sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng, có truyền thống cách mạng nên năm 15 tuổi, ông đã hăng hái tham gia cách mạng và chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau ngày giải phóng, ông tham gia công tác trong ngành y, tư pháp rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Zuôih 10 năm liền.
Với tình yêu văn hóa truyền thống luôn “cháy” trong người, trong suốt những năm còn công tác, ông Bhling Hạnh cùng đội cồng chiêng thôn Công Dồn, tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Khi về hưu, ông lại càng có nhiều thời gian để đắm mình trong văn hóa truyền thống. Ông luôn mong muốn, bản sắc văn hóa của người Cơ Tu được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau, nên đã bỏ công sức sưu tầm, chỉ dạy và truyền lửa đam mê cho lớp trẻ.
Trong ngôi nhà nhỏ của mình ở thôn Công Dồn, ông Bhling Hạnh đã dành riêng một gian chính giữa để gìn giữ những vật dụng, nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu như cồng chiêng, đàn Abel, khèn bơ rét, ché cổ…
Ông Hạnh cho biết: Cồng chiêng trong đời sống của người Cơ Tu là một loại hình âm nhạc, văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Với người Cơ Tu, cồng chiêng không chỉ là niềm kiêu hãnh, mà còn là thứ ngôn ngữ kết nối con người với thế giới siêu nhiên.
“Hằng năm vào mùa lễ hội truyền thống của làng như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu, lễ ăn mừng được mùa..., nhìn những thanh niên nam nữ Cơ Tu nối tay nhau múa theo điệu tâng tung, da dá truyền thống, theo nhịp điệu của trống và cồng chiêng, tôi như sống lại với những ngày mình còn trẻ”, ông Bhling Hạnh chia sẻ.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Trước thực trạng lớp trẻ đang dần rời xa những thanh âm truyền thống, ông Bhling Hạnh đã cùng với các già làng, nghệ nhân giàu tâm huyết tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang bỏ công lập nên đội cồng chiêng nhí. Để từ đó, ngày ngày, họ kiên trì tiếp lửa cồng chiêng cho các em, với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu.
Gần 3 năm nay, đội cồng chiêng nhí thôn Công Dồn, xã Zuôih được thành lập, hàng ngày, sau những giờ học tập tại trường, 20 thành viên độ tuổi 9 đến 10 tuổi thôn Công Dồn, lại tập trung tại Gươl để già làng, nghệ nhân hướng dẫn các động tác múa, nhảy theo nhịp điệu đúng với bản sắc của đồng bào Cơ Tu.
Ông Bhling Hạnh chia sẻ: các cháu hầu hết là những người yêu thích điệu tân tung, da dá nên được gia đình đăng ký vào đội múa thiếu nhi, khó khăn nhất khi hướng dẫn các em là việc giữ được thần thái từ khuôn mặt cho đến cử chỉ trong từng bài sẽ khác nhau. Với em gái thì vừa múa dẻo vừa vui tươi, đối với em trai thì vừa oai hùng vừa rắn rỏi như hành động của một chàng trai trên đường đi săn. Những cái khó đó, bản thân mình thấu hiểu, nên đã tận tình chỉ bảo các cháu trong từng động tác sao cho dễ hiểu, dễ nhớ nhất để thực hiện các động tác múa, nhảy ...
Chia sẻ với chúng tôi, em A Rất Ngọc Trang, một trong những thành viên của đội múa cồng chiêng thôn Công Dồn cho biết: Em vào đội múa được hơn 1 năm nay, điều em thích thú nhất là các động tác mềm dẻo khi múa da dá. Em cũng mong muốn sau này, sẽ tiếp bước các lớp cha ông để tiếng cồng, tiếng chiêng Cơ Tu được bay xa hơn, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Ông Bling Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Zuôih cho biết, người Cơ Tu ở Công Dồn nói riêng và xã Zuôich nói chung rất say mê với âm nhạc, họ rất quí trọng bản sắc văn hóa của địa phương. Đảng ủy, UBND xã đã chủ trương các già làng, nghệ nhân phát huy tinh thần tham gia chỉ dạy các cháu ý thức giữ gìn và yêu thích múa tâng tung, da dá để không mai một khi các thế hệ trước không tham gia được trong đội cồng chiêng.
Nhận xét về nghệ nhân Bhling Hạnh, ông Bling Hùng thông tin thêm, không chỉ am hiểu những phong tục truyền thống của đồng bào địa phương, ông Hạnh còn sưu tầm, sáng tác, cải biên những làn điệu, điệu múa phù hợp nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Với những đóng góp cho văn hóa Cơ Tu, năm 2019, Bhling Hạnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.