Bà Nguyễn Thị Chọn (thôn Giàn Bí) hào hứng khoe: Bà con Tà Lang, Giàn Bí không còn vứt rác bừa bãi ra sông, suối, ruộng vườn nữa mà đã biết được cách tận dụng rác thải làm thành những sản phẩm, những việc có ích. Vừa nói, bà Chọn vừa dẫn chúng tôi tham quan những hố rác bà vừa đào để chôn lấp rác hữu cơ và giới thiệu những chai nước rửa bát, những lọ dung dịch diệt sâu bọ mà bà vừa hoàn thành phân loại.
Theo bà Chọn, trước đây, người dân Tà Lang, Giàn Bí có thói quen vứt rác bừa bãi do đất rộng, người thưa. Sau khi các chuyên gia Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp UBND xã Hòa Bắc hỗ trợ tham quan, dự lớp tập huấn về quản lý rác thải giúp người dân biết cách phân loại rác. “Từ rác thải đã phân loại, chúng tôi còn làm được nước rửa chén và dung dịch xịt côn trùng để sử dụng hằng ngày. Không những hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, các loại nước xịt côn trùng được làm từ tỏi, gừng, ớt… giúp bà con tiết kiệm được một khoản chi phí”, bà Chọn cho hay.
Mô hình làm phân hộ gia đình mà bà con hai thôn Tà Lang và Giàn Bí sử dụng nhiều nhất là bằng phương pháp ủ trong các hục đất được đào trong vườn. Rác thải dễ phân hủy sau khi phân loại được dồn vào hục đất và phủ lên một lớp đất, cứ vậy hằng ngày lặp lại quy trình đến khi phân “chín” thì người dân sử dụng trồng trọt hoặc bón rau trong vườn.
“Người Cơ Tu đã biết phân loại rác thải để hạn chế ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe chính mình. Việc phân loại rác thải được người dân làm như thói quen hằng ngày, thường xuyên, không những bảo vệ môi trường, mà từ các hố chôn rác còn mọc lên những cây ổi, chuối… cho trái sum suê, ngon ngọt”, bà Trần Thị Phương (thôn Tà Lang) bộc bạch.
Mặc dù đã biết cách ủ phân từ lá cây, nhưng có một số bà con Tà Lang và Giàn Bí vẫn ủ theo thói quen, khiến rác khi chôn lấp gặp các vấn đề về mùi hôi. TS. Kiều Thị Kính, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Chuyên gia dự án - cho biết Dự án có sắp xếp các buổi học thực tế để hướng dẫn bà con ủ phân với các phương pháp tiện lợi, khoa học.
“Nếu bà con có vườn rộng, thì nên đào hố sâu để chôn lấp. Bà con lưu ý chọn chỗ đào hố ở nơi cao ráo, không bị ngập nước. Trong quá trình làm, bà con có thể phun chế phẩm sinh học hoặc rải thêm vôi, tận dụng tro, vỏ trấu cho vào một lượng phù hợp. Ngoài ra, khi chôn lấp rác, bà con tuyết đối không bỏ chung rác thải nhựa vào. Các hố rác khi đào xong cần đánh dấu để tránh nguy hiểm”, TS. Kiều Thị Kính lưu ý.
Không chỉ tận dụng rác làm phân bón và nhiều việc hữu ích khác, hằng tuần người dân hai thôn Tà Lang và Giàn Bí còn vận động cùng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan sinh thái, sạch nhà, sạch ngõ. Dưới các dòng sông, trên các bờ kè, người dân thường xuyên nhặt rác và tuyên truyền để du khách tham quan không vứt rác ra sông, suối.
Bà Bùi Thị Ga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bắc cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, bà con Tà Lang và Giàn Bí đã nâng cao nhận thức, không còn đốt túi nylon, vứt rác sai quy định. Bà con cũng biết cách phân loại rác tại nhà thành 3 loại gồm rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy và rác tái chế, có hướng xử lý đối với từng loại rác phù hợp.
“Đa phần người thực hiện việc phân loại rác thải là những người phụ nữ trong gia đình. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã kết hợp vừa tuyên truyền, vừa phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường để các chi hội phụ nữ đi đầu thực hiện; vận động chị em thay chai nước nhựa bằng chai thủy tinh trong các cuộc hội họp, xách giỏ đi chợ... Khi môi trường được giữ vững, cảnh quan sạch đẹp, các khu du lịch sinh thái hình thành, chúng tôi mong muốn Tà Lang và Giàn Bí nói riêng, Hòa Bắc nói chung trở thành điểm đến du lịch học tập cộng đồng mẫu của Thành phố”, bà Ga nói./.