Nghề mới, thu nhập cao
Cùng với phát triển DLCĐ, nhiều địa phương ở Nghệ An đã đồng thời phát triển làng nghề, vừa tăng thêm sự hấp dẫn cho du khách, vừa tăng thu nhập cho bà con. Đặc biệt, một số nơi, chính quyền và người dân xác định, sản phẩm của làng nghề là sản phẩm đặc thù theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Những bản Nưa, Khe Rạn ở huyện Con Cuông hay bản Hoa Tiến ở huyện Quỳ Châu, thổ cẩm của bà con đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Gắn với các bản làng ấy là điểm du lịch làng Xiềng - Pha Lài thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông) đang thu hút rất nhiều khách du lịch. Du khách đến với Pha Lài có thể tham quan các làng nghề, được tận tay dệt nên những tẩm thổ cẩm theo thiết kế của đồng bào. Thú vị hơn, là được trải nghiệm các hoạt động sản xuất như đánh cá, hái cam, cày ruộng, chèo thuyền… và cùng thưởng thức, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng bà con trong thôn bản. Thích nhất là được cùng bà con chế biến các món ăn đặc sắc của đồng bào Thái ở Nghệ An.
Tuy chưa phải là điểm thường xuyên nườm nượp khách như Pha Lài, nhưng bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng đã phần nào thay da đổi thịt. Từ vài hộ gia đình tiên phong, đến nay đã có hơn chục hộ tham gia DLCĐ.
Bà Lô Thị Tâm, chủ Homestay Từ Tâm, ở bản Hoa Tiến 2, chia sẻ: “Gia đình tôi làm Homestay cũng được vài năm. Tôi thấy rất vui khi được cùng với du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, hướng dẫn dệt thổ cẩm, nấu các món ăn dân tộc. Từ khi làm DLCĐ gia đình còn có thêm thu nhập khá ổn định, vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách thập phương nên gia đình ai cũng rất phấn khởi”.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Điều đáng phấn khởi là, ngành du lịch, chính quyền địa phương ở những địa bàn phát triển DLCĐ rất ý thức đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền ưu tiên hỗ trợ cho các điểm DLCĐ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho từng hộ gia đình tham gia DLCĐ, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao ý thức cho người dân để bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, là các hỗ trợ khác như trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở của du khách; hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ, đạo cụ cho các đội văn nghệ cộng đồng… Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí quảng bá, đào tạo tiếng Anh, tập huấn kỹ năng cho cán bộ ngành du lịch, các hộ làm DLCĐ…
Ban quản lý các khu, điểm DLCĐ cũng như chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc để bảo đảm môi trường luôn được sạch sẽ, hấp dẫn du khách, phát triển du lịch bền vững. Bà con đã thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường: Không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, vệ sinh thôn bản, cụm dân cư hàng tuần…
Cùng với đó, các ban quản lý đã đặt tài liệu truyền thông, thông điệp bảo vệ môi trường tại các khu vực công cộng, bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác, xử lý rác thải theo quy định.
Ông Lê Thành Đô, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Con Cuông, cho biết: Huyện đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, đồng thời chỉ đạo các xã hướng dẫn cho người dân làm DLCĐ. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn về DLCĐ, tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cũng sẽ được chú trọng hơn, bằng các đợt ra quân vệ sinh môi trường trong bản, làng; tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
"DLCĐ đang từng bước phát triển ở các huyện vùng cao như Con Cuông, Quỳ Châu và đang mở rộng ở một số huyện khác. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Nghệ An tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhằm phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19, đồng thời tham mưu cho tỉnh từng bước cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả", ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho hay.