Nhớ lại lần đầu đến với bản Lác, năm 2015, tôi không khỏi ngạc nhiên trước không gian văn hóa dân tộc nơi đây. Những nhà sàn gỗ được bao quanh bởi cánh đồng lúa chín vàng; bên vệ đường, nhiều người phụ nữ Thái đang chuẩn bị những ống cơm lam để bán cho khách phương xa. Đây cũng là điểm lý tưởng cho các đoàn sinh viên mỹ thuật thoải mái sáng tác mỗi dịp ngoại khóa.
Anh Hà Văn Nhật nhớ lại: “Ngày ấy làm du lịch cộng đồng đơn giản lắm, chỉ cần sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị phòng sinh hoạt cộng đồng, bếp ăn rộng rãi là có thể đón khách lưu trú. Hầu hết khách muốn ở phải đặt trước cả tháng mới có phòng trống, bởi không có nhiều nhà làm du lịch như bây giờ”.
Giờ đây, không chỉ số lượng nhà sàn tại bản Lác tăng, hiệu quả kinh tế từ làm du lịch cộng đồng có thể thấy rõ rệt. Nhưng, những nhà sàn gỗ xưa kia được thay thế dần bằng những ngôi nhà bê tông mới. Ông Hà Công Tím, Người có uy tín bản Lác cho biết: “Càng ngày, gỗ làm nhà càng quý hiếm, việc làm nhà sàn gỗ có chi phí cao gấp 2, 3 lần so với nhà sàn bê tông. Nên các hộ làm du lịch sau không có kinh phí để làm, hầu hết đều sơn bê tông giả gỗ”.
Không chỉ kiến trúc bị thay đổi, phát triển “nóng” còn gây hệ lụy không nhỏ đến không gian nghỉ dưỡng cộng đồng. Những con đường nội bản xưa là nơi du khách đi bộ thong dong, ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoặc thuê xe đạp để đạp xe lên chợ, ra đồng, hay dừng chân mua ống cơm lam, chiếc khăn thổ cẩm... thì giờ đây là tuyến đường hoạt động chính của những chiếc xe điện, các mặt hàng truyền thống được thay bằng hàng Trung Quốc.
Tiếc nuối với không gian xưa, bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Mai Châu ngậm ngùi: “Quy hoạch vẫn là điểm mấu chốt và lớn nhất hiện nay ở bản Lác. Kiểu làm du lịch mạnh ai nấy làm, các quán Cafe, Spa, nhà sàn sai quy cách... mở ra nhiều hơn những gian hàng truyền thống, khiến không gian văn hóa du lịch cộng đồng của đồng bào DTTS bị phá vỡ”.
Chất lượng bị ảnh hưởng thể hiện rõ nhất ở lượng khách lưu trú, khi lượng khách đến với Mai Châu vẫn ngày một tăng, nhưng lượng khách du lịch đến bản Lác lại giảm đi đáng kể. Năm 2018, bản Lác đón hơn 3.400 lượt khách quốc tế, năm 2019 chỉ đón hơn 3.000 lượt khách.
Anh Nguyễn Hữu Lộc, Công ty Du lịch Vintravel cho biết: “Khách có xu hướng thích lưu trú ở những bản du lịch mới như bản Pom Coọng, bản Văn, bản Bước, bản Cha Lang, hoặc các Resort ở Ba Khan, Homestay ở Hang Kia - Pà Cò… Và bản Lác chỉ còn là một điểm tham quan chớp nhoáng trên hành trình khám phá, du lịch Mai Châu của du khách”.
Tháng 8/2020, huyện Mai Châu đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, bản Lác là một trong những điểm du lịch khơi nguồn cho sự phát triển du lịch tại Mai Châu. Nhưng để bản Lác là điểm đến hấp dẫn, giữ chân du khách thì cần có sự thay đổi trong thời gian tới.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng và phát triển điểm du lịch cộng đồng đúng cách; kịp thời điều chỉnh những hoạt động không phù hợp với điểm du lịch cộng đồng, để phát triển bản du lịch, tạo điều kiện cho người dân làm kinh tế và không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc...
Quy hoạch vẫn là điểm mấu chốt và lớn nhất hiện nay ở bản Lác. Kiểu làm du lịch mạnh ai nấy làm, các quán Cafe, Spa, nhà sàn sai quy cách... mở ra nhiều hơn những gian hàng truyền thống, khiến không gian văn hóa du lịch cộng đồng của đồng bào DTTS bị phá vỡ”.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng phòng Văn hóa -Thể thao huyện Mai Châu