Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch
Theo tài liệu, năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đi theo tiếng gọi của nghĩa quân Lam Sơn, có Lò Khằm Ban, người dân tộc Thái, đến từ Mường Ca Da (huyện Quan Hóa ngày nay). Với tài thao lược và dũng cảm, cánh quân của Lò Khằm Ban liên tiếp thắng trận, góp phần đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, vua Lê đã phong ông là Thượng tướng thống lĩnh quân.
Đất nước sạch bóng giặc, Lò Khằm Ban lập thái ấp ở Mường Ca Da. Khi mất, ông được phong là Thành Hoàng (bản thổ Thành Hoàng), là vị thần đã có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân. Từ đó, người dân lập đền thờ để đời sau tưởng nhớ. Đến nay, huyền thoại về tướng Khằm Ban vẫn là niềm tự hào với người dân Quan Hóa.
Đền thờ Khằm Ban, ở thị trấn Hồi Xuân là một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh quan trọng của huyện Quan Hóa. Được kỳ vọng là điểm du lịch tâm linh, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, song di tích Khằm Ban lại không được chú trọng xây dựng để trở thành điểm đến của du khách.
Cùng với đền thờ Khằm Ban, phải kể đến các di tích như: Hang Phi với hàng chục cỗ quan tài cổ, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa chưa được khám phá; hang Co Phường, nơi ghi dấu sự hy sinh của các chiến sĩ dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp và các hang Co Phày, Co Luồng, hang Na, hang Dùn...
Ngoài ra, còn có hệ thống cảnh quan đa dạng với các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và Khu Bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động.
Không có nguồn lực đầu tư
Quan Hóa được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch khi nằm trên cung đường khám phá Tây Bắc, kế cận các trung tâm du lịch nổi tiếng như Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La)… Tuy nhiên, những năm qua, huyện này vẫn chưa thể hiện được dấu ấn trên bản đồ du lịch tỉnh.
Là huyện nghèo, người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nhưng không đáng kể. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quan Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020, đề ra các mục tiêu về phát triển du lịch, với những nội dung gắn du lịch với xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bước đầu, huyện triển khai các chương trình như: Du lịch sinh thái - văn hóa, Đề án du lịch cộng đồng hang Phi. Tuy nhiên, với tiềm lực hạn chế, cách làm manh mún đã khiến các dự án không phát huy hiệu quả.
Theo Đề án du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Quan Hóa mong muốn, biến các bản nghèo thành điểm du lịch như bản Hang, bản Vinh Quang, bản En… Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, huyện mong muốn phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn, nhưng do huyện nghèo nên không đủ nguồn lực đầu tư và phát triển du lịch bài bản. Thực tế cho thấy, cái khó của huyện Quan Hóa cũng chính là khó khăn chung của nhiều huyện miền núi.