Nếu như dân tộc Mường có điệu múa sênh tiền, dân tộc Thái, Tày có điệu múa xòe, dân tộc Mông có điệu múa khèn… thì dân tộc Dao có điệu múa chuông. Nghệ nhân ưu tú loại hình nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian dân tộc Dao Lý Văn Hềnh, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) cho biết: Múa chuông là một trong những điệu múa chính và đặc sắc trong các nghi lễ linh thiêng của đồng bào Dao như: Tết nhảy, lễ Lập tịch, Tết Thanh minh, rằm tháng Giêng, tháng Bảy đều có múa chuông… Đặc biệt, múa chuông trong Tết nhảy là lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, mong tổ tiên che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, phù hộ cho dân bản có cuộc sống no ấm, yên vui.
Là điệu múa truyền thống của đồng bào Dao, múa chuông thường có cả nam và nữ, mỗi đợt múa chuông có từ 6 người tham gia trở lên, càng đông càng vui. Khi múa, tay trái người múa cầm một chiếc đóm, tay phải cầm một chiếc chuông để đánh nhịp và có một người dẫn xướng. Vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa, mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Trong điệu múa này, chiếc chuông nhỏ bằng đồng có chuôi là đạo cụ chính để người múa cầm, kết hợp với một số đạo cụ phụ như trống con, đàn nhị, sáo… tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn, đưa bước chân các chàng trai, cô gái Dao nhún nhảy theo điệu múa.
Chị Lý Sao Mai, đội văn nghệ xóm Sưng, xã Cao Sơn cho biết: Múa chuông là điệu múa truyền thống của đồng bào Dao, từ khi còn là những cô bé, cậu bé, chúng tôi đã tiếp xúc với các điệu múa chuông của dân tộc và được ông bà, cha mẹ truyền dạy, hướng dẫn. Với người Dao, các tín ngưỡng văn hóa, điệu múa truyền thống đã ăn sâu vào máu và không ai không biết múa chuông. Đặc biệt, từ khi xóm Sưng làm du lịch cộng đồng, bắt đầu đón những đoàn khách quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu về phong cảnh, văn hóa, tín ngưỡng, trải nghiệm các hoạt động trong sinh hoạt đời sống văn hóa của người dân địa phương, múa chuông được biểu diễn phục vụ du khách đến thăm quan, du lịch tại bản, chứ không chỉ múa chuông trong dịp lễ, Tết hay ngày trọng đại của gia đình, dòng họ như trước. Tôi thấy khách nước ngoài đến đây rất thích xem biểu diễn múa chuông truyền thống, trực tiếp tham gia các công đoạn làm thổ cẩm, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc Dao.
Đồng chí Bùi Thị Hồng Anh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: Hiện nay, dân tộc Dao chiếm 13,71% dân số của huyện. Bên cạnh một số bản còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống từ nhà ở, trang phục, tín ngưỡng văn hóa…, một số nơi đã có những thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Huyện đã có nhiều giải pháp để giữ gìn, bảo tồn và phát huy những vốn quý, văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, như: vận động bà con phục dựng lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức lễ hội người Dao mừng xuân mới; tổ chức các hội diễn cơ sở và đưa điệu múa chuông tham gia các hội diễn của tỉnh; duy trì văn hóa tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian tại các bản du lịch cộng đồng…