Điệu xòe có từ bao giờ?
“Ðiệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào…”. Ðúng như những ca từ trong ca khúc “Ðiệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon, không ai biết chính xác điệu xòe có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, mỗi người Thái đã được nuôi dưỡng, lớn lên cùng với điệu xòe. Điệu xòe giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Xòe Thái không những đẹp về nghệ thuật mà còn mang tính nhân văn tốt đẹp, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, tạo sức hút đặc biệt, khiến người vào xòe dù lớn, nhỏ, lạ, quen hay sớm, muộn thì vẫn cứ say mê như thuở ban đầu.
“Xòe” trong tiếng dân tộc Thái nghĩa là điệu nhảy. Nghệ thuật xòe Thái được hiểu là nghệ thuật trình diễn các điệu múa dân gian của dân tộc Thái, với sự tham gia của nhiều người, không giới hạn về số lượng. Từ lâu, nghệ thuật xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ và mô tả về nét văn hóa giàu bản sắc và vẻ đẹp độc đáo.
Vòng xòe càng đông càng vui nên những nơi không gian rộng thường được chọn là nơi diễn ra những điệu xòe. Với cộng đồng người Thái, bất kể những cuộc vui, từ nhỏ của gia đình, như mừng nhà mới, cưới hỏi; cho đến những lễ hội lớn của bản làng, như: Xên bản, Tết xí xíp, Lễ mừng cơm mới, hay Lễ hội Hoa Ban… xòe Thái luôn hiện hữu. Theo quan niệm của người Thái: “Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi”.
Gặp nghệ nhân tỏ tường về xòe Thái
Nghệ nhân Ưu tú Mào Văn Ết, sinh sống tại tổ 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) là người tâm huyết, gắn bó, rất am hiểu về nghệ thuật trình diễn và tri thức dân gian trong đó có nghệ thuật xòe của đồng bào dân tộc Thái.
Theo chia sẻ của Nghệ nhân, linh hồn của xòe Thái chứa đựng trong các điệu xòe cổ, như: Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp… trong đó xòe vòng xuất hiện sớm nhất, mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến.
Trong những lễ hội lớn, ở những bản đông dân cư, người ta xòe nhiều vòng và ứng với từng độ tuổi lại ở từng vòng khác nhau. Vòng xòe trong cùng là thiếu niên, tiếp đến thanh niên, trung niên và người lớn tuổi ở vòng xòe ngoài cùng, khi cao hứng thì reo hò xiết chặt vòng xòe trong tiếng trống, chiêng rộn ràng.
Yếu tố tạo nên đặc trưng của xòe chính là âm nhạc. Ngày trước, xòe vòng được mở đầu bằng tiếng hát của một người cất lên, sau đó mọi người vào múa theo nhịp trống chiêng, chũm chọe, tính tẩu. Sau này, các nghệ nhân trong quá trình sáng tác và dàn dựng đã sử dụng thêm một số đạo cụ, như: Nón, khăn, ống nứa… hình thành nên múa nón, múa khăn với những động tác đơn giản kết hợp với những làn điệu, bài hát để đối đáp, hát tỏ tình trai gái…
Ngày nay, trong những lễ hội, cuộc vui tiếp đón du khách, bạn bè, mọi người thường bắt đầu xòe tay thấp với động tác đơn giản, để bất cứ ai cũng có thể tham gia. Đến khi tiếng trống, chiêng dồn dập hơn, rượu đã ngà ngà say, họ chuyển sang xòe tay cao hay còn gọi là xòe chọi gà. Người tham gia nắm tay nhau đưa lên ngang đầu rồi lại đưa xuống thấp, một chân bước, một chân ký, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, vui vẻ.
Phát triển du lịch để bảo tồn di sản
Tháng 1/2019, UBND tỉnh Ðiện Biên và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng thuận xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên, chính quyền các cấp, cũng như các nghệ nhân, những người yêu văn hóa Thái đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, bảo tồn cũng như truyền dạy, phổ biến rộng rãi hơn về nét đẹp của loại hình nghệ thuật này.
Hiện, nghệ thuật múa xòe đã nhân rộng và có sức hút với nhiều cộng đồng dân tộc trên mảnh đất Ðiện Biên. Đặc biệt, thông qua hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch ở các bản văn hóa, những sự kiện văn hóa truyền thống tầm cỡ, như: Lễ hội Hoa Ban hay Ngày Hội Văn hóa dân tộc Thái… là cơ hội tốt để quảng bá rộng rãi những nét đẹp cuốn hút, hấp dẫn trong xòe Thái đến đông đảo du khách.
“Xòe cần phải được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và phổ rộng ra cộng đồng. Và chính những lớp tập huấn của Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên do các nghệ nhân đứng lớp hay những sự kiện văn hóa lớn với sự góp mặt của vòng xòe chính là sự bảo tồn văn hóa thiết thực và hiệu quả nhất. Ðó vừa là niềm tự hào của đồng bào Thái, là một nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng và gìn giữ”, Nghệ nhân Ưu tú Mào Ết nhấn mạnh.
Xòe cần phải được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và phổ rộng ra cộng đồng. Và chính những lớp tập huấn của Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên do các nghệ nhân đứng lớp hay những sự kiện văn hóa lớn với sự góp mặt của vòng xòe chính là sự bảo tồn văn hóa thiết thực và hiệu quả nhất. Ðó vừa là niềm tự hào của đồng bào Thái, là một nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng và gìn giữ”.
Nghệ nhân Ưu tú Mào Ết