Đây là lần đầu tiên có Chương trình hỗ trợ và nghiên cứu toàn diện về phát triển du lịch cộng đồng như lần này và đối tượng hưởng lợi từ Chương trình rất rộng.
Xây dựng một số mô hình điểm
Chương trình đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho DLCĐ phát triển; hình thành được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong phát triển DLCĐ; hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh sản phẩm DLCĐ theo từng điểm đến phù hợp với từng loại thị trường khách; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý cho DLCĐ phát triển. Cụ thể, Chương trình sẽ nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ phát triển DLCĐ các vùng nông thôn (Trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ) làng, bản, thôn, ấp... ở Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2025.
Nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ xây dựng một số mô hình điểm theo hướng phát triển DLCĐ bền vững; hỗ trợ tư vấn, thiết kế xây dựng điểm một số mô hình DLCĐ; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các đối tượng liên quan đến DLCĐ, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp tại các điểm DLCĐ; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia hỗ trợ phát triển DLCĐ; hỗ trợ đào tạo các lớp cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các Ban quản lý chuyên trách trực tiếp quản lý, vận hành các điểm DLCĐ tại các vùng nông thôn ở Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2025.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ nghiên cứu, hỗ trợ cho các trường có đào tạo các lớp về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn phục vụ phát triển DLCĐ tại các vùng nông thôn giai đoạn 2021- 2025 và hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ cho sản phẩm DLCĐ đặc trưng, gắn với các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ phát triển DLCĐ ở Việt Nam.
Ưu tiên hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực phát triển DLCĐ; hỗ trợ hạ tầng, cơ sở vật chất dịch vụ kỹ thuật và phục dựng cảnh quan, môi trường bền vững cho phát triển DLCĐ và hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ DLCĐ. Khi thực hiện Chương trình, nguồn nhân lực du lịch tại khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, ven biển và hải đảo trên phạm vi cả nước, đội ngũ lao động gián tiếp và cộng đồng liên quan đến các hoạt động du lịch tại các điểm DLCĐ trên cả nước sẽ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực phát triển.
Trong đó, hỗ trợ về đào tạo nghề, sản xuất quà tặng, quà lưu niệm để bán cho khách du lịch, ưu tiên các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, thủy hải sản… Tổ chức tập huấn kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và dịch vụ homestay, hướng dẫn kỹ năng chế biến các món ẩm thực truyền thống đặc trưng vùng miền và một số món ăn cơ bản, thông dụng phục vụ khách du lịch quốc tế đến; kỹ năng hướng dẫn và phục vụ lưu trú; kỹ năng điều hành tour… cho đối tượng cộng đồng dân tộc thiểu số tại các điểm đến du lịch. Hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng và quản lý mô hình DLCĐ. Tập huấn kỹ thuật canh tác và sản xuất sản phẩm nông nghiệp, y dược cổ truyền (theo tiêu chuẩn VietGap) cho các hộ gia đình tại các bản làng DLCĐ. Hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân tập huấn kỹ năng biểu diễn và dàn dựng các tiết mục, tiểu phẩm cho các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống của các dân tộc ở các điểm DLCĐ. Hỗ trợ cho cán bộ của cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh/cán bộ thuộc ban quản lý các khu du lịch/điểm DLCĐ tham gia các lớp tập huấn về quản lý, xúc tiến quảng bá du lịch, du lịch thông minh…
Tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn và bảo tồn phát huy giá trị di sản; bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSA, các khu rừng đặc dụng (vườn quốc gia, khu bảo tồn biển, khu bảo vệ cảnh quan…), bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, các giá trị du lịch sinh thái, hiểm họa môi trường sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, xã hội hóa du lịch... Hỗ trợ cho các nghệ nhân trực tiếp tổ chức truyền nghề cho người dân tại các điểm DLCĐ. Mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng khả năng sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ lao động DLCĐ; cập nhật kiến thức cho cộng đồng về nhu cầu, sở thích, thói quen, tập quán giao tiếp ứng xử của khách du lịch (cả khách quốc tế và khách nội địa).
Đặc biệt ưu tiên hỗ trợ phát triển DLCĐ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, Chương trình hỗ trợ này sẽ tích hợp, lồng ghép vào nội dung và sử dụng nguồn kinh phí từ dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời tích hợp vào nội dung và sử dụng nguồn kinh phí từ các dự án có liên quan đến du lịch thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025”. Tích hợp và lồng ghép vào “Đề án Phát triển sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ phát triển du lịch” và các hoạt động trong kế hoạch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Đầu mối thực hiện Chương trình là Bộ VHTTDL; các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có các cộng đồng dân cư phát triển DLCĐ; cơ quan quản lý du lịch và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh, hỗ trợ dịch vụ du lịch phục vụ phát triển DLCĐ và cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch.