Bản giao hoà của lòng người
Trước kia, khèn của người Mông hầu như chỉ được sử dụng tại gia đình thì giờ đây, tiếng khèn được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, nhiều sự kiện trong đời sống, sinh hoạt của người Mông. Như ở Sa Pa, thanh niên người Mông xuống chợ phiên mang theo cây khèn, thích cô gái nào, chàng trai mang khèn thổi và múa vòng quanh, cô gái yêu thích chàng trai, sẽ đáp lại bằng cách xòe ô múa theo điệu khèn của chàng, điệu múa dập dìu theo tiếng khèn.
Ở Si Ma Cai, điệu múa khèn còn là động tác múa võ thể hiện ý chí, sức mạnh của nam giới người Mông. Khi múa khèn lúc ngậm miệng khèn thổi, lúc giơ khèn múa ra phía trước giống như đang tấn công, lúc lại rụt khèn về ép vào nách như đang phòng thủ, người múa khèn thực hiện các động tác rất điêu luyện, mang tính nghệ thuật; lúc nhẹ nhàng, lúc uyển chuyển vừa thổi khèn vừa múa cổ vũ tinh thần cho người thực hiện cũng như cho những người đứng bên ngoài xem và cổ vũ.
Nghệ thuật múa khèn hay nói cách khác là các kỹ thuật, động tác múa khèn của người Mông đa dạng và có nhiều bài, nhiều hình thức thể hiện. Khèn được chơi một mình, cũng có thể nhiều người cùng múa khèn, thổi cùng một bài, một điệu, nhịp giống nhau. Trong đó, người chơi khèn vừa thổi vừa múa khèn là động tác khó nhất. Nhưng không vì khó mà các chàng trai người Mông không tập luyện, mà ngược lại họ tập luyện chăm chỉ, thường xuyên.
Khi các chàng được 12 tuổi đã được bố, ông nội những thợ khèn lão luyện ở trong làng dạy cho kỹ năng, kỹ thuật thổi và múa các bài khèn. Trước tiên, thầy dạy cách lấy hơi, uốn lưỡi thổi khèn, học thuộc các bài khèn rồi mới học đến múa khèn, kết hợp thổi và múa khèn. Nam giới người Mông tự hào về truyền thống múa khèn của mình.
Tiết tấu tiếng khèn có giai điệu của âm nhạc, khiến người nghe hiểu và cảm nhận được âm thanh thay tiếng lòng người muốn nói. Đến lúc cao trào các động tác múa khèn nâng tầm thành nghệ thuật với kỹ thuật miệng vẫn ngậm đầu khèn, tay luồn cây khèn ra mạn sườn, ra sau lưng, động tác vừa thuần thục, uyển chuyển và dứt khoát làm thỏa mãn người xem. Những tiếng vỗ tay tán thưởng, trên mặt cô gái tươi như hoa nở nụ cười bắt đầu mở ô vào theo nhịp của tiếng khèn dẫn dắt, cứ thế người múa, người nhảy hết bài khèn gọi bạn, bài khèn tỏ tình, bài múa ô…, chàng trai ôm khèn múa lộn vài vòng, lúc ngồi xuống hai chân sàng qua sàng lại miệng vẫn ngậm khèn, tiếng khèn vẫn vang lên, lúc luồn khèn qua hai chân động tác thật khó nhưng chàng trai vẫn đều thoăn thoắt luồn khèn từ chân này sang chân bên kia.
Ở các huyện như Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, vào dịp đầu năm người Mông thường tổ chức lễ hội Gầu tào. Trung tâm lễ hội là cột cây nêu, dưới gốc nêu được treo khèn. Khèn được chủ tào thực hiện thổi nghi lễ khai hội và kết hội, cây khèn thổi đi vòng quanh gốc cây nêu dẫn dắt đoàn người tham gia lễ hội với mục đích cầu phúc, cầu mệnh…
Đến khi lìa xa trần thế, người Mông kết hợp sử dụng tiếng khèn, tiếng trống tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới của tổ tiên như, bài khèn mời cơm sáng, cơm trưa, cơm tối, bài khèn lên ngựa, bài khèn đưa người chết ra bãi…
Khèn của người Mông được làm bằng ống cây trúc và bầu khèn bằng gỗ thông. Cấu tạo khèn gồm 6 ống trúc ghép xuyên qua bầu khèn bằng gỗ hình bắp chuối, các ống trúc được ghép thành từng đôi, sắp xếp từ nhỏ đến to, từ dài đến ngắn theo âm thanh cao thấp. Ở mỗi đầu ống trúc có khoét lỗ và cắm lưỡi gà bằng lá đồng mỏng phát ra âm thanh khi thổi. Tiếng khèn trầm, bổng, thanh thoát là do hơi người thổi và sự điều chỉnh của lá đồng ở trong mỗi ống khèn.
Khi có đoàn khách đến viếng, gia đình bố trí thợ thổi khèn đón đoàn và đồ lễ phúng viếng từ ngoài cửa vào trong nhà, đoàn viếng bố trí thợ khèn và đoàn nhạc trống vào phúng viếng giao lễ vật cho linh hồn người chết. Ngoài tiếng khèn, trống còn làm vui cho linh hồn cũng như con cháu còn sống của người đã chết, đêm xuống thời gian kéo dài những người thợ khèn, trống bắt đầu thổi, múa khèn các bài khèn mang tính chất vui vẻ. Ví như người Mông ở xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, độc đáo với điệu múa khèn và ngậm bát rượu, động tác cực kỳ khó và hấp dẫn khiến con cháu có mặt trong buổi lễ tỉnh hẳn ngủ.
Người Mông ở huyện Si Ma Cai, trong tang lễ có điệu khèn vượt biển, múa khèn trên miệng chảo thắng cố và lộn khèn trên không trung, múa khèn trên cọc…Trong các buổi tang lễ như vậy, thầy khèn sẽ trao truyền cho con cháu những bài khèn, bài trống, những lúc thợ khèn, trống chính nghỉ những người học vào thay thế.
Có thể thấy người Mông sử dụng cây khèn trong các nghi lễ liên quan đến vòng đời người. Với những ý nghĩa, giá trị cùng với các động tác kỹ thuật điêu luyện đã nâng tầm trở thành nghệ thuật khèn độc đáo và đặc trưng của người Mông.
Cây khèn và trống kết hợp trở thành biểu tượng trong văn hóa của người Mông, trở thành “vật thiêng” được bảo quản cẩn thận. Chính vì thế, ở các bản làng người Mông đều có thợ biết chế tác khèn Mông, khèn được mang bán ở các buổi chợ phiên và trở thành một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, người Mông mua để sử dụng, khách du lịch thì làm đồ lưu niệm…
Với những giá trị, nét độc đáo riêng có, nghệ thuật múa khèn của người Mông ở Lào Cai đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.