Nghệ nhân dân gian Giàng A Sử năm nay đã bước vào tuổi 80, gần như cũng chừng ấy năm ông gắn với tiếng khèn. Ông bảo, với con trai người Mông, khi biết cầm con dao lên rẫy, biết cầm cái cày trên nương là phải biết cầm cái khèn để thổi. Khèn vì thế thân thuộc như mèn mén, rượu ngô, như không khí, nước uống hằng ngày.
Ông Sử nói rằng: “Biết thổi không có nghĩa là chế tác được khèn. Từ nhỏ, tai tôi đã nghe tiếng khèn, lớn lên một chút đã thổi được. Đến năm 18 tuổi, tôi bắt đầu học nghề làm khèn, nhưng đền gần tuổi 30 tôi mới tự tay làm được một cái khèn chuẩn”, ông Sử cho biết.
Ông Sử bảo, để làm được cây khèn Mông không khó, nhưng để khèn có âm thanh hay, đạt chuẩn thì ngoài việc tỉ mỉ khi chế tác, bản thân người tạo ra cây khèn phải đặt cả tâm hồn mình vào các công đoạn làm khèn. Vì vậy, không phải ai cũng làm được khèn chứ chưa nói đến việc làm ra chiếc khèn đạt chuẩn về âm thanh.
Theo ông Sử, một chiếc khèn hoàn chỉnh được làm bằng các nguyên liệu ống trúc và ống vầu, trong ống có lưỡi gà bằng đồng, khi thổi trong bầu gỗ, ống bị nén hơi làm rung lưỡi gà gây nên sự chấn động trong không khí phát ra âm thanh ở đầu ống. Ống dài phát ra âm trầm, ống ngắn phát ra âm bổng, riêng ống ngắn nhất, to nhất có từ 2-3 lưỡi gà. Mỗi ống có một lỗ thoát hơi được định âm cao thấp khác nhau, mở lỗ thoát hơi ống nào, âm thanh của ống đấy thoát ra, các giai điệu nối kết với nhau thành bản nhạc.
“Để làm bầu khèn, người thợ phải tìm được loại gỗ không mối mọt như gỗ pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông, nhẹ và bền. Bộ phận phối khí của cây khèn là những ống trúc lấy ở rừng về, để khô lại. Một cây khèn thường có 6 ống được gộp chụm lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống”, ông Sử vừa cầm chiếc khèn vừa giải thích.
Khó nhất trong các công đoạn làm khèn là rèn “lưỡi gà” và chỉnh âm. “Lưỡi gà” phải được làm từ đồng nguyên chất, được rèn cẩn thận, tán mỏng. Người thợ sẽ thử “lưỡi gà” bằng cách đập nhẹ vào tay rồi đưa lên tai nghe thử.
“Công đoạn chỉnh âm là một trong những thao tác quan trọng và cầu kỳ, có thể mất một đến hai ngày và để hoàn thiện một cây khèn, người giỏi nhất cũng phải mất đến ba ngày”, ông Sử cho biết thêm.
Cũng bởi cái khó, sự khắt khe của nghề làm khèn nên trong 4 người con trai của ông Sử, chỉ có duy nhất anh Giàng A Khay học được và theo nghề của bố mình.
Giàng A Khay nhớ lại: “Em đến với nghề làm khèn từ khi mới 13 tuổi. Lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chế tác khèn, nhiều lúc em nản chí, định buông xuôi. Nhưng rồi tình yêu với cây khèn, sự động viên, giúp đỡ từ cha đã giúp em thành công”.
Hiện nay, công việc chế tác khèn cũng là công việc chính của gia đình Khay. Bình quân mỗi tháng Khay làm được khoảng 10 cây khèn, bán với giá trên hai triệu đồng/cây. Khay bảo: “Em cũng không có ý định mang xuống chợ bán. Ai biết thì lên mua thôi”.
Giàng A Khay cho biết: Người Mông thổi khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nghe tiếng khèn, người Mông như quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống. Có thể nói, nếu tiếng khèn có một sức mạnh tinh thần diệu kỳ thì nghệ nhân chế tác ra cây khèn Mông chính là những người có “quyền năng” huyền bí bởi họ là người đã tạo ra thứ âm thanh diệu kỳ đó.
Nói rồi, Khay dạo một giai điệu khèn. Tiếng khèn trầm bổng len qua tầng sương mù dày đặc, khẽ lướt qua sắc đào cổ thụ đang hé nụ chào Xuân, vút lên khỏi những ngọn núi như mời gọi của những đôi tình nhân hẹn hò. Hòa trong tiết Xuân của núi rừng đại ngàn, ngọt ngào, thanh khiết, tiếng khèn như thay lời của người thổi: “Con gái Mông như bông hoa rừng/Con trai Mông như cây thông núi đá…”.
MINH THU