Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa - du lịch TP. Pleiku (Gia Lai) năm 2023, Đoàn nghệ nhân làng Choét 2, phường Thắng Lợi đã tái hiện nghi Lễ cúng Giọt nước tại nhà rông làng Ốp, phường Hoa Lư trước sự chứng kiến đông đảo đồng bào dân tộc Gia Rai ở phường Thắng Lợi và du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự Ngày hội văn hóa - du lịch TP. Pleiku.
Trước khi tiến hành lễ cúng, Già làng Ak đã họp dân làng để sửa soạn các lễ vật, trang trí cho lễ cùng giọt nước, gồm 1 con gà, tiết gà, gan heo và ghè rượu. Theo già Ak, người Gia Rai quan niệm, máu là phương tiện truyền dẫn sự sống, nên sẽ dùng để cúng giọt nước. Tiếp theo, già làng chọc cần vào can rượu ghè, bắt đầu đọc vang lời khấn: “Hỡi thần suối, hãy băng qua rừng, men theo bờ ruộng thần suối hãy đến với giọt nước Ia Nguin của chúng tôi. Hôm nay, chúng tôi làm lễ cúng dâng đến các vị thần gan gà, gan heo và rượu tưới lên bến nước để cầu Yang xuống phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, cuộc sống tốt, không đau ốm bệnh tật, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật trong làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra. Thần hãy cho chúng tôi nguồn nước trong veo, tràn trề nước chảy quanh năm…”.
Sau khi đọc xong lời cúng, già làng cúi xuống uống căn rượu đầu tiên rồi đến người cao tuổi và dân làng. Lúc này, các cô gái xuống giọt nước mát hứng dòng nước trong lành vào bầu và mang về. Bà con, đám trẻ trong làng hứng nước rửa mặt và cùng nhau tạt vào người với ý nghĩa để lấy may mắn của Yàng ban cho.
Trong tâm thức chị Ksor H'Tri, làng Choét 2, thì ngay từ khi sinh ra, chị đã được cha mẹ kể lại rằng, đồng bào Gia Rai từ khi xưa lập làng thường chọn nơi có nguồn nước dồi dào như gần sông, suối để phục vụ đời sống của con người và lao động sản xuất. Giọt nước của đồng bào có khi được lấy từ suối nguồn, bến sông nhưng chủ yếu là lấy từ mạch núi. Khi xưa, nguồn nước được dẫn về bằng các ống lồ ô, còn ngày nay thì đã được bê tông hóa. Tuy vậy, người làng vẫn gìn giữ tín ngưỡng và văn hóa của mình.
Cũng như bao đồng bào Tây Nguyên khác, già làng Ak chẳng biết lễ cúng giọt nước có tự bao giờ, già chỉ biết nó đã được dân làng truyền lại từ đời này qua đời khác và gìn giữ cho đến nay. Cùng với những nghi lễ truyền thống quan trọng như Lễ cúng nhà rông, Lễ cúng nhà mồ, thì Lễ cúng Giọt nước là lễ quan trọng nhất đối với dân làng. Bởi từ khi chọn đất lập làng, người Gia Rai thường chọn khu vực có nguồn nước mạch chảy ra từ khe núi để làm giọt nước, giọt nước chính là mạch nguồn của sự sống của đồng bào Gia Rai.
Sau nghi lễ, là lúc tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên, dân làng Choét 2 tay nắm tay cùng múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển. Những gương mặt phấn khởi mừng giọt nước mát về làng, dân làng chúc nhau những điều tốt đẹp.
Dưới cái nắng vàng như rót mật của Tây Nguyên, trong không gian sinh hoạt cộng đồng thấm đậm sắc màu văn hóa, du khách cũng hòa chung niềm vui với dân làng, cùng thưởng thức hương vị thơm nồng của rượu cần.
Với nụ cười thân thiện, già Ak nhanh tay mời gọi khách mời cùng say men rượu cần. Trong niềm hân hoan, già Ak nói: Dân làng mình bây giờ cuộc sống cũng đã bớt khó khăn hơn xưa. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, người làng còn tập trung bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Vừa qua, được sự quan tâm của của các cấp, chính quyền, Lễ cúng giọt nước được phục dựng quy mô hơn, đông đảo người dân và du khách tới tham quan, dân làng vui lắm.
Anh Siu Luk, Bí thư Chi đoàn thanh niên làng Choét 2 vui vẻ nói: Mình thấy rất tự hào khi được tham gia phục dựng nghi lễ truyền thống cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai. Từ đó, đã khơi dậy niềm tình yêu với văn hoá truyền thống trong lớp trẻ chúng mình. Mình thấy không chỉ là cách bảo tồn văn hoá truyền thống mà còn là cơ hội để mình và bà con trong làng giới thiệu cho du khách gần xa biết về phong tục, lễ hội của đồng bào Gia Rai.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại có nhiều nguồn nước, nhưng giọt nước vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Gia Rai ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc phục dựng các nghi lễ truyền thống trong các hoạt động văn hoá, du lịch của địa phương không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc của đồng bào Gia Rai mà còn giúp xây dựng phát triển ngành du lịch, nâng cao đời sống người dân nơi đây.