“Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”
Đây là chủ đề do Bộ Y tế triển khai trong khuôn khổ Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của "Làm mẹ an toàn, tương lai cho bé" nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Theo đó, trong chương trình này, ngành y tế tỉnh Cao Bằng đã, đang và sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn... Từ đó góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Lần sinh con thứ hai, ban đầu chị Hoàng Thị Mỳ, ở xóm Lũng Tám, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, có ý định sinh tại nhà như lần trước, vì nhà cách xa trạm y tế. Tuy vậy, khi được cán bộ Trạm y tế thường xuyên đến tận nhà khám thai định kỳ, phát viên đa vi chất miễn phí và tư vấn tận tình lợi ích của việc đến cơ sở y tế để sinh con chị Mỳ đã thay đổi ý định. Vì vậy, khi có dấu hiệu chuyển dạ chị được người nhà đưa đến Trạm y tế xã để sinh.
Chị cho biết, bản thân khi được cán bộ y tế tư vấn về nguy cơ uốn ván và tai biến trong quá trình trở dạ nếu sinh tại nhà, nên gia đình chịd đã lựa chọn sinh con ở Trạm y tế. "Ở đây được bác sỹ hướng dẫn sinh, cho con bú, theo dõi con sau khi sinh... rất chi tiết, tỉ mỉ nên tôi yên tâm lắm", chị Mỳ chia sẻ.
Tập trung cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em
Theo báo cáo của Viện dinh dưỡng: Năm 2021, tỉnh Cao Bằng có số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 16,3%, số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 28%, số trẻ bị suy dinh dưỡng gầy còm là 6%. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 42.554 trẻ dưới 5 tuổi (trong đó trẻ em dưới 2 tuổi là 14.493 trẻ) được cân, đo 2 lần/năm đạt trên 98%; trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng và được chấm biểu đồ tăng trưởng 3 tháng/lần đạt đạt 96,2%; cân trẻ em < 2 tuổi bị suy dinh dưỡng 01 tháng/lần đạt 96,3%; tỷ lệ trẻ từ 6- 59 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao 2 lần/năm đạt trên 99%.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, Nông Tuấn Phong: Ngoài tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, việc giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi là một trong những ưu tiên của ngành y tế tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây vẫn là nhiệm vụ khó khăn với một địa phương miền núi như Cao Bằng. Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình dinh dưỡng; trong đó trọng tâm là cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em và phụ nữ mang thai, chú trọng tập huấn, xây dựng mô hình dinh dưỡng giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc nuôi trẻ.
Một trong những mô hình đã được tỉnh Cao Bằng triển khai có hiệu quả trong suốt 10 năm qua đó chính là mô hình "Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng". Mô hình này được ra đời nhằm quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, các bác sĩ, y tá sẽ chủ động can thiệp vào “1.000 ngày vàng” ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ cho đến 2 tuổi.
Theo đó, trong năm 2023, Cao Bằng sẽ tổ chức triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 40% các xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc). Đến năm 2025, duy trì mô hình và nâng cao chất lượng của mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 40% xã vùng III (tương đương với 600 xã tại 39 tỉnh/thành trên toàn quốc), trong đó có 126 xã vùng III của tỉnh Cao Bằng.
Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Nông Tuấn Phong cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành y tế Cao Bằng sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm, trung tâm y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ mạng lưới y tế cơ sở. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng dược liệu quý nhằm phát triển mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em... Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ y tế, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khoẻ, thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo người DTTS sinh con đúng chính sách dân số; phổ biến sâu rộng chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, chính sách tiêm chủng, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm; Ưu tiên đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ y tế là người đồng bào DTTS, cán bộ y tế công tác tại các tuyến xã và đào tạo chuẩn hoá đội ngũ nhân viên y tế thôn, làng; đào tạo cô đỡ thôn, bản cho các thôn còn khó khăn về công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản...
Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến năm 2025, duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS xuống dưới 35,5‰ và tuổi thọ bình quân của người DTTS bằng hoặc trên 67 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 32% ; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 21,3%.
Đến năm 2030, duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS xuống dưới 40‰ và tuổi thọ bình quân của người DTTS bằng hoặc trên 70 tuổi. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 30%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi người DTTS suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 15,8%.