Cao Bằng là tỉnh miền núi với khoảng 95% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), toàn tỉnh Cao Bằng có 1.462 thôn, bản của 161 xã, thuộc 10 huyện, thành phố thụ hưởng Chương trình, với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn và xã an toàn khu.
Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ đồng bào mở rộng sinh kế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từ đó nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo. Một trong những biện pháp được Cao Bằng triển khai để hỗ trợ đồng bào DTTS đó là chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng với hơn 94% dân số là đồng bào DTTS. Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Lạc đã triển khai chính sách hỗ trợ tín dụng, giúp đồng bào DTTS có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề.
Để công tác cho vay được thuận lợi, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung rà soát đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định, giải ngân nguồn vốn ưu đãi kịp thời, theo đúng quy trình. Qua kiểm tra, đánh giá nguồn vốn cho thấy, các hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ gia đình xây được nhà, nhiều hộ chuyển đổi nghề bước đầu đạt kết quả khả quan.
Đến nay, huyện Bảo Lạc đã giải quyết cho 209 hộ vay 9.180 triệu đồng. Trong đó, 162 hộ vay 6.460 triệu đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở, 47 hộ vay 2.720 triệu đồng chuyển đổi nghề. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS chuyển đổi nghề nghiệp, xây nhà, sửa nhà giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Chánh Văn Siu, xóm Cốc Mòn, xã Cốc Pàng cho biết: năm 2022, anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo Nghị định của Chính phủ hỗ trợ chuyển đổi nghề trong thời gian 5 năm. “Nhờ nguồn vốn vay, gia đình tôi có điều kiện để chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồi. Gia đình còn được chính quyền thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người trồng áp dụng các quy trình kỹ thuật như làm đất, chọn giống, phân bón, chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn... Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế mà đến nay gia đình tôi mới có thể thoát nghèo. Hiện tôi đang trồng 7.000 cây hồi và dự định sẽ phát triển lên 8.000 - 9.000 cây”, anh Siu phấn khởi cho biết.
Tương tự, thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa đã triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Nguồn tín dụng này đã và đang hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát, phát triển sinh kế, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Diệp là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Chồng mất sớm, 3 mẹ con nương tựa vào nhau sống trong ngôi nhà sàn chật hẹp, gia súc nhốt dưới gầm sàn nhà ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Bà Diệp vui mừng cho biết, từ khi có nguồn vốn hỗ trợ, gia đình bà đã mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới để con cái có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn. Đồng thời di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường…
Không riêng gia đình bà Diệp, tại huyện Quảng Hòa, tính đến thời điểm hiện tại, doanh số cho vay xây dựng nhà ở theo Nghị định 28 năm 2022 là 8 tỷ đồng với 200 lượt hộ được vay vốn, doanh số cho vay năm 2023 là 1 tỷ 160 triệu đồng với 29 lượt hộ được vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ của Chương trình là 9 tỷ 160 triệu đồng với 229 hộ còn dư nợ.
Được biết, hiện nay, tổng nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt trên 3.850 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2023, NHCSXH tỉnh đã tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đơn vị để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 161 tỷ đồng; tăng trưởng đạt trên 100 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt gần 777 tỷ đồng với 12.533 lượt khách hàng vay vốn (trong đó hộ nghèo, cận nghèo 4.937 hộ, chiếm 39,39%).
Theo Nghị định 28 của Chính phủ, NHCSXH được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo DTTS hoặc hộ nghèo cư trú ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo Nghị định này. Các chương trình cho vay có lãi suất ưu đãi. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trong 5 năm đầu khách hàng chưa cần trả nợ gốc. Thời hạn vay từ 10 - 15 năm (tùy từng chương trình).