Đồng chủ trì Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Nguyễn Thị Hồng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Nguyễn Hữu Dũng; Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng.
Tham dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Gs.Ts. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tín dụng CSXH là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình Đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.
Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết: Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng CSXH khác, đặc biệt 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đến nay, đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Thông qua hoạt động tín dụng CSXH giúp chính quyền cơ sở tiếp xúc với người dân nhiều hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Chia sẻ về hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH với phát triển KT-XH của đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Đồng bào các DTTS ở nước ta chiếm 14,7% dân số cả nước, sinh sống tại hơn 3.400 xã của 52 tỉnh, thành phố. Do nhiều nguyên nhân, KT-XH vùng DTTS và miền núi còn chậm phát triển, đời sống của đồng bào các DTTS hiện nay còn nhiều khó khăn.
Từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng CSXH đã triển khai nhiều chính sách tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước, trong đó có vùng DTTS và miền núi. Đặc biệt, Ngân hàng CSXH đã thực hiện nhiều chương trình cho vay ưu đãi dành riêng cho đồng bào DTTS theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, số 74/2008/QGG-TTg, số 54/2012/QĐ-TTg... và hiện nay là cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo quyết định số 1719/QĐ-TTg (hướng dẫn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ). Đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của đồng bào các DTTS như: Hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ..., giúp đồng bào từng bước ổn định và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc chuyển dần từ chính sách hỗ trợ “cho không” sang cho vay ưu đãi bước đầu đã khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; thu hẹp dần khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định quốc phòng, an ninh; tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng và Nhà nước.
Trong thời gian tới, để tín dụng CSXH đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu, tích cực góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tập trung nguồn lực tín dụng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng mức cho vay, mở rộng địa bàn và đối tượng cho vay theo đúng tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV.