Chị Liên kể: Nhận thấy điều kiện thuận lợi diện tích đất của gia đình là vườn đồi, cách đây vài năm, chị quyết định mua vài chục con gà nuôi thả ở vườn nhà để cải thiện bữa ăn gia đình và bán khi có việc cần phải chi tiêu. Lúc đầu người trong thôn xóm có công việc mua gà của chị về ăn đều khen gà thả đồi chắc thịt, thơm và ngon và có việc lại đến nhà chị tìm mua.
Nhận thấy đây cũng là cơ hội để mở rộng phát triển đàn gà thành hàng hóa, chị Liên đã quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi gà. Nghĩ là làm, trong lúc còn đang loay hoay chưa biết vay vốn ở đâu, chị Liên đã mạnh dạn tìm gặp Hội phụ nữ xã nói về mong muốn phát triển mô hình nuôi gà của mình. Cũng từ đây, chị được tiếp cận và biết đến Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của Nhà nước hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số
Từ số tiền 30 triệu vay của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), chị Liên mua được mấy trăm con gà giống để chăn nuôi và phát triển đàn. Đặc biệt, để đảm bảo đàn gà phát triển tốt, chị đã tìm hiểu các mô hình chăn nuôi hiệu quả, đọc thêm tư liệu để phòng tránh dịch bệnh cho gà, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi do Hội phụ nữ, các chi hội đoàn thể, hoặc do xã, thôn tổ chức để có thêm kinh nghiệm chăm sóc gia cầm. Nhờ đó, đàn gà phát triển tốt, chất lượng, đến nay gia đình chị đã nhân rộng ra được 4 trang trại gà, với quy mô hàng vạn con
Nhớ về thời gian đầu xây dựng mô hình chăn nuôi gà, chị Liên chia sẻ, cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi đâu. Ban đầu vì chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức về chăn nuôi gà, nên gà bị chết bệnh rất nhiều khiến gia đình chị điêu đứng vì lỗ vốn."Nếu không nhìn nhận được tiềm năng tiêu thụ từ thị trường và quyết tâm thoát nghèo của cả gia đình, đặc biệt là cán bộ phụ nữ trong thôn động viên, thì hôm nay gia đình cũng không có đàn gà với số lượng hàng vạn con và kinh tế gia đình vững mạnh như hiện nay", chị Liên bộc bạch thêm.
Chị Liên cho biết, để phòng bệnh cho đàn gà vợ chồng chị đi học hỏi những người đã chăn nuôi trước, trong quá trình chăn nuôi anh chị cũng đúc rút ra được nhiều bài học, biết được khi nào gà bệnh, gà bao nhiêu ngày tuổi sẽ tiêm, tiêm thuốc gì để tránh bệnh cho đàn gà và để đàn gà phát triển.
Đặc biệt, hiện nay trang trại gà của gia đình chị còn nhận được sự hỗ trợ của nhân viên bên thú ý, nhờ áp dụng đúng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi. Vì vậy, việc chăn nuôi hàng vạn con gà dễ dàng hơn rất nhiều. Lợi nhuận mỗi năm gia đình chị Liên thu về gần cả tỷ đồng đã trừ mọi chi phí, chưa kể bán phân gà cho các hộ gia đình bón cây xanh, gia đình chị Liên cũng thu về trăm triệu một năm.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị đang tạo việc làm thời vụ cho nhiều chị em phụ nữ trong thôn và cả người lao động ở thôn khác, với thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày/người.
Đáng quý là, ngoài chăn nuôi làm giàu cho chính gia đình mình, anh chị còn giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật cho những hộ gia đình muốn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả đồi giống như gia đình chị. Theo đó, trên địa bàn xã và những hộ gia đình ở những địa phương khác như Sóc Sơn, Bắc Giang…cũng tìm đến học hỏi.
Hơn những thế chị còn hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hộ (NHCSXH) Qua đó, mà nhiều chị em phụ nữ đã phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo cuộc sống ngày càng ấm no khá giả.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Huệ và chồng là anh Ngô Văn Ba cùng là người dân tộc Sán Dìu sinh sống trong thôn. Những năm trước, vợ chồng chị Huệ ngoài làm ruộng, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống, không đủ điều kiện được vay vốn. Trong khi chị Liên lại được vay thêm vốn để phát triển chăn nuôi, chị Liên đã bảo lãnh và nhường suất vay của mình cho chị Huệ.
Chị Liên còn đầu tư con giống cho chị Huệ, giới thiệu các đại lý cám, trao đổi với đại lý tạo điều kiện để gia đình chị Huệ được trả dần…Sự hỗ trợ từ chị Liên giúp chị Huệ được vay vốn sớm từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), nhờ đó mà cuộc sống gia đình chị Huệ đã thay đổi rất nhiều, nhà cửa đã được xây dựng lại khang trang kinh tế ngày càng ổn định.
Chị Hoàng Thị Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bắc An cho biết: Bắc An là một xã có nhiều đồi núi thuộc Chí Linh – Hải Dương, đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc việc cấy lúa, trồng cây màu và chăn nuôi. Tuy nhiên, do thiếu vốn, hiểu biết và khoa hoc kỹ thuật còn hạn chế nên dù lao động vất vả, nhưng thu nhập của nhiều hộ chẳng đáng là bao nên không mang lại cuộc sống no đủ cho người dân, nói gì đến chuyện làm giàu.
Do vậy, những năm qua, nhờ được tiếp cận hỗ trợ nguồn vốn vay của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt, đối với các hộ đồng bào DTTS đã có những chính sách tín dụng lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp đã giúp đỡ được rất nhiều hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi và cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, đã có nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn làm giàu từ đồi núi cằn cỗi quê hương, như trường hợp của chị Liên và chị Huệ.
Ở địa phương, những tấm gương vượt khó vươn lên như chị Liên, đã được các cấp hội đánh giá ghi nhận và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế trong cộng đồng. Điều đáng quý nữa, hiệu quả từ mô hình còn cho thấy, chị em phụ nữ nói chung và chị em phụ nữ DTTS nói riêng, ngày càng tự tin không những khẳng định vai trò vị thế của bản thân mà còn có tiếng nói trong gia đình, góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.