Các bạn trẻ ở Khánh Vĩnh giữ gìn món ăn truyền thống của dân tộc mìnhTìm về những giá trị xưa cũ
Sinh ra ở miền núi Khánh Vĩnh, lớn lên nhờ những món ăn như muối cá khô, gạo rẫy, canh bồi, bánh khoai mì... và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những điệu hát ru, tiếng mã la, tiếng đàn chapi… nên những bạn trẻ vùng cao luôn có tình yêu sâu đậm với văn hóa đồng bào mình. Những lúc rảnh rỗi, họ tập trung cùng nhau làm những món ăn truyền thống để những bạn chưa biết thì sẽ biết cách làm, những người biết rồi sẽ làm ngon hơn, quen tay hơn. Khi có khách gần xa đến chơi, những món ăn đặc sắc đó chính là món quà được mang ra để đãi khách.
Chị Pi Năng Thị Bé Mèo, ở thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng là một trong những người trẻ thích làm món ăn truyền thống chia sẻ: Tôi hay làm món cá khô muối để ăn và chiêu đãi bạn bè, khách quý. Làm món này không khó lắm, cá sau khi nướng bằng bếp than cho thịt khô, săn lại thì đem xé nhỏ, lọc bỏ xương rồi cho vào cối giã. Gia vị để giã cùng với cá là ớt xiêm xanh, bột ngọt, lá chanh, rau thơm... tùy khẩu vị. Nếu kỹ hơn, sau khi giã, có người đảo lại trên lửa nhỏ để bảo quản được lâu. Đây là món ăn truyền thống đã nuôi lớn bao thế hệ đồng bào Raglai ở Khánh Thượng. Đến nay, vẫn còn được gìn giữ và họ xem đó là món ăn đặc biệt để đãi khách quý.
Các bạn trẻ say mê nhạc cụ truyền thốngCòn các bạn trẻ ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung lại thể hiện tình yêu văn hoá truyền thống của dân tộc mình theo cách khác, đó là cùng nhau học và gìn giữ nghề thủ công truyền thống mà cha ông để lại.
Chúng tôi đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Suối Cá, khi nhiều bạn trẻ đang cần mẫn đan đát. Tay thoăn thoắt làm theo hướng dẫn của bà ngoại, chị Cao Thị Mỹ Dy (24 tuổi) hào hứng cho biết: Để hoàn thiện một sản phẩm như: Thúng, rổ, nia, gùi... phải qua nhiều công đoạn, từ chọn lồ ô, tre đến vót to hay vót nhỏ để sợi lạt phù hợp với từng loại vật dụng.
“Bà ngoại tôi năm nay đã 70 tuổi, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Nhờ bà hướng dẫn, tôi đã dần nắm được kỹ thuật đan sao cho vừa, độ dày đều nhau. Những món đồ thủ công này tôi rất yêu thích, muốn học để giữ nghề từ người đi trước rồi dạy lại cho lớp sau”, chị Dy bộc bạch.
Chị Cao Thị Luyện cũng là một trong những người trẻ ở xã Khánh Trung yêu văn hoá truyền thống. Dù chị Luyện làm cán bộ mặt trận thôn Bắc Sông Giang, công việc bận rộn nhưng hễ có thời gian rảnh, là chị học nghề truyền thống, chế tác nhạc cụ.
“Tôi muốn biết những món vật dụng người đồng bào chúng tôi sử dụng được làm ra như thế nào, tiếp đó là những món nhạc cụ độc đáo. Nếu thế hệ trẻ không học và gìn giữ, e rằng, sau này những nét văn hóa độc đáo này sẽ mai một. Do đó, tôi tranh thủ học để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình", chị Luyện tâm sự.
CLB Mặt trời đỏ biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thốngTuổi trẻ tham gia gìn giữ văn hoá truyền thống
Chị Cao Ngọc Thoa, Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh cho biết: Thời gian qua, Huyện đoàn đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động gắn liền với bảo tồn, gìn giữ và quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Bên cạnh tổ chức cho thanh niên tham gia học nghề truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, Huyện đoàn và các đoàn xã đã triển khai thêm mô hình quảng bá nét đẹp ẩm thực của đồng bào DTTS tại địa phương. Trong đó, tạo điều kiện để thanh niên học cách làm, chế biến các món ăn; đối với những món có thể giữ được lâu như cá khô muối Raglai đã được quảng bá, giới thiệu đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, tại một số xã đã có các mô hình thanh niên làm kinh tế với những món ăn của đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tuổi trẻ Khánh Vĩnh đã xây dựng nhiều mô hình, hoạt động nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương. Đơn cử như Câu lạc bộ (CLB) Mặt trời đỏ, tập hợp các bạn trẻ yêu văn hoá truyền thống cùng sinh hoạt. Mỗi lần có các sự kiện, hoạt động của thanh niên hay các ban, ngành huyện Khánh Vĩnh, các thành viên CLB Mặt Trời Đỏ lại tất bật chuẩn bị trang phục, tập dượt các bài văn nghệ truyền thống để tham gia biểu diễn.
Bạn Pi Năng Thị Mỹ Linh, thành viên CLB cho biết: Chúng tôi rất nỗ lực tập luyện để biểu diễn thành thục các tiết mục, qua đó không chỉ tạo được nét đặc sắc trong hoạt động biểu diễn của CLB, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong các bạn trẻ.
Tại xã Khánh Trung có CLB mã la của thanh niên xã, thường xuyên hoạt động vào các dịp cuối tuần. Tại đây, các già làng, trưởng bản, người có kinh nghiệm trong sử dụng mã la đã truyền đạt, hướng dẫn cho các bạn trẻ cách chơi loại nhạc cụ đặc sắc này của đồng bào dân tộc Raglai. Từ đó, mỗi khi có những hoạt động của địa phương, các bạn trẻ lại tự tin tham gia biểu diễn với loại nhạc cụ này.
Các bạn trẻ tập giã gạo lúa rẫy cũng là một cách gìn giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc mìnhTheo chị Thoa, xác định việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS tại địa phương, là một phần trách nhiệm của thế hệ trẻ nên Huyện đoàn Khánh Vĩnh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thu hút, tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia...
“Chúng tôi đang xây dựng kênh bán hàng trực tuyến với các mặt hàng là sản phẩm ẩm thực, thủ công của đồng bào DTTS tại địa phương, tạo thêm nguồn tiêu thụ cho các sản phẩm này. Từ đó, có thể khích lệ các bạn trẻ tham gia, vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa, vừa có thêm thu nhập.”, chị Thoa chia sẻ thêm.