Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 1.150 km2 với 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới. Dân số hơn 100 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm tỉ lệ gần 50%. Nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của Người có uy tín.
Hiện nay, huyện Hướng Hóa có 99 Người có uy tín ở 99 thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đội ngũ Người có uy tín ở huyện Hướng Hóa có đầy đủ các thành phần, gồm: già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi. Đó là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, nhiều Người uy tín đã trở thành tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, như: ông Hồ Văn Lai, Hồ Văn Ba, Hồ Văn Hạnh ở xã Thuận, Hồ Pơ Lanh, Hồ Văn Kia ở xã A Dơi, Hồ Văn Chinh ở xã Hướng Phùng, Hồ Ra Mô, Hồ Văn Thao ở xã Hướng Tân… Thông qua các dịp lễ hội truyền thống, các cuộc họp của thôn bản, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động của các xã, thị trấn… họ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, tôn giáo góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đội ngũ người có uy tín huyện Hướng Hóa đã luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiến đất xây dựng trường học, trụ sở làm việc, nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường giao thông...
Ông Ăm Neng ở thôn Vầng, xã Ba Tầng là một ví dụ điển hình về người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất. Trước đây, ông cũng như bao hộ gia đình khác, phụ thuộc nương rẫy, sản xuất theo phương thức lạc hậu nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, tận dụng lợi thế về nguồn nước, quỹ đất và các điều kiện khác, gia đình ông quyết định xây dựng mô hình kinh tế VAC.
Sau 5 năm gây dựng, đến nay, mô hình của gia đình ông phát triển tốt với hơn 200 trăm gốc cây ăn quả; tổng đàn gia súc trên 40 con; hơn 1 ha sắn, 2 ao cá... tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm. Nhờ đó, gia đình ông nuôi con ăn học đầy đủ, xây dựng nhà ở khang trang. Từ mô hình kinh tế của ông, nhiều hộ trong thôn đã học tập làm theo.
“Tôi thấy, đời sống người Vân Kiều ở thôn còn gặp rất nhiều khó khăn nên tôi đã quyết tâm đi trước làm kinh tế. Tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt các loại giống cây mới trên sách báo, ti vi. Trước hết là làm giàu cho gia đình, sau đó là giúp đỡ, hướng dẫn bà con cùng làm ăn để họ thể thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, Ăm Neng chia sẻ.
Đặc biệt, đội ngũ người có uy tín huyện Hướng Hòa còn chủ động phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào, làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, "Cả nước chung tay vì người nghèo"...Tiêu biểu, như ông Ăm Neng xã Ba Tầng, Hồ Văn Biên xã Hướng Phùng, ông Hồ Văn Minh xã A Dơi, ông Hồ Văn Phơi xã Húc, Hồ Văn Thứ xã Hướng Sơn... Theo đó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được phát huy, như: Oát xa nớt của dân tộc Bru – Vân Kiều, Ca lơi cha chấp của dân tộc Pa Kô, lễ cúng cơm mới, lễ hội A Riêu ping (tục dời mã), lễ hội mừng làng mới...
Không những vậy, người có uy tín còn vận động con cháu dòng họ, dòng tộc, người thân không tham gia vào các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, rượu chè, nghiện hút…; làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở. Đồng thời, tích cực vận động đồng bào phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người có uy tín cũng tích cực tuyên truyền người dân không di cư tự do, tranh chấp đất đai, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Cùng với đó, đội ngũ những người có uy tín phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết các vấn đề liên quan trên biên giới; vận động ổn định tình hình nhiều vụ phát sinh trong nội bộ đồng bào, các vụ tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất rừng…
Từ thực tế ở cơ sở, người có uy tín đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ phát hiện, xử lý các vụ phạm pháp hình sự và các vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý. Điển hình như: ông Hồ Xuân Lương xã Hướng Việt, ông Hồ Văn Noi xã Hướng Phùng, Hồ Văn Theng xã Hướng Linh…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, “Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ổn định và phát triển, thời gian đến huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín. Thực hiện tốt công tác chăm lo, động viên, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín có thành tích tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận, phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương”./