Sín Thầu là vùng đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của cả nước, cho đến tận năm 2007 xã mới có đường ô tô đến xã. Từ Hà Nội lên TP Điện Biên Phủ 500 km, từ đó còn ngót 200 cây số nữa mới đến huyện Mường Nhé, rồi chừng tám chục cây số nữa mới tới Sín Thầu. Trước đây, Sín Thầu gần như bị biệt lập với tỉnh lỵ và được ví như "đại bản doanh" thuốc phiện, với cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu như chiếc vòng kim cô đeo bám. Đến nay, nhiều người hẳn vẫn không thể quên những nỗi đau mà thuốc phiện gây ra cho dân Sín Thầu ngày ấy.
Trường kỳ nhiều năm liền, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực hết mình của chính quyền địa phương, Sín Thầu mới dần dần thoát khỏi "bóng ma" cây anh túc. Có được điều đó phải kể đến công sức đóng góp của dòng họ Pờ, dân tộc Hà Nhìn vốn nổi danh vùng ngã ba biên giới, với những người con ưu tú như: Pờ Xì Tài, Pờ Dần Sinh.
Nhiều giai thoại về dòng họ Pờ dân tộc Hà Nhì tài giỏi, kiên trung, một lòng theo Đảng vẫn được lưu truyền. Điển hình như câu chuyện giúp hàng trăm dân bản cai nghiện thành công, hướng dẫn dân đào ao nuôi cá, làm nông nghiệp, thậm chí cả bảo tồn, truyền bá các làn điệu dân ca, dân vũ của người Hà Nhì...
Không quá khi nói rằng, nhà họ Pờ đã là những hạt giống đầu tiên, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, để mang lại những đổi thay hôm nay cho vùng đất này. Và Sín Thầu hôm nay như khoác trên mình một chiếc áo mới. Với 250 hộ dân, khoảng 1.400 nhân khẩu là người Hà Nhì, Sín Thầu đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ 80% xuống 37%, tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới.
Tạm biệt nỗi buồn xã "bốn không" (không điện, đường, trường, trạm) trước kia, Sín Thầu nay có thêm "sáu không" mới rất đáng tự hào: xã duy nhất trong huyện không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng làm nương, không có người du canh du cư, không xuất cảnh trái phép, không sinh con thứ ba, không theo tà đạo, tôn giáo lạ... không có truyền đạo trái phép.
Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương mình, ông Pờ Dần Sinh, người Hà Nhì, Bí thư Ðảng ủy xã đầu tiên của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, hiện là Người có uy tín tại Sín Thầu đã kể cho chúng tôi nghe về quá trình vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc. "Năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập. Đây là năm ông được sinh ra đời và cũng là năm người cha của ông - cụ Pờ Pố Chừ và 4 đảng viên khác nghe theo lời Đảng, lời Bác, cùng Anh hùng Trần Văn Thọ vận động thành lập Chi bộ Trung Thầu- Chi bộ đảng đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc", ông Pờ Dần Sinh nói.
Nằm trong địa bàn xa xôi cách trở, nhiều vấn đề phức tạp, nhưng những gì Sín Thầu đạt được đã cho thấy sức mạnh vững vàng của mảnh đất địa đầu khi "ý Đảng hợp với lòng dân". Quyết tâm làm ăn kinh tế để thay đổi, những cánh rừng được bảo vệ xanh tốt. Những con suối vẫn chảy tràn, nuôi nấng cho sự sống. Cả những tay săn thú rừng cự phách một thời đều đã quyết tâm "giải nghệ" và chuyển hẳn sang làm mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc. Đó là điều mà bất cứ ai có cơ hội khám phá vùng đất này đều cảm thấy vui mừng,phấn khởi.
Còn nhớ mấy năm trước, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi Sín Thầu rồi lên cửa khẩu A Pa Chải, chúng tôi phải vượt qua muôn vàn khó khăn, mất cả ngày đường vượt rừng, lội dăm con suối sâu. Vào mùa mưa có nhiều đoạn nước chảy xiết cao đến ngực, chỉ có thể đi qua bằng những chiếc bè tre, nứa hoặc thân cây chuối. Nay, đường bê tông đổ phẳng lỳ đi vào đến tận bản Tá Miếu - một bản của người Hà Nhì ở xa tận cùng của xã, gần với mốc số 0 nhất.
Từ nguồn vốn xây dựng đường vành đai biên giới, tỉnh Điện Biên đã mở tuyến đường ô tô như cánh tay nối dài cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh ở những bản làng phía cực tây Tổ quốc.
Cụ Lù A Sáng ở bản Tá Miếu, một người dân đã chứng kiến nhiều khó khăn cũng như đổi thay của xã Sín Thầu, chia sẻ: "Trước khi có đường, nông sản bà con làm ra chẳng mang đi đâu được, muốn bán con trâu, con bò, không biết bán cho ai. Bây giờ thì từ ngô, thóc đến con gà, con vịt cũng có người đánh xe vào tận nơi thu mua. Có cả chợ, có trạm xá cho dân chữa bệnh, có trường học cho trẻ con đến trường học chữ...".
Hiện, toàn xã có 25 hộ làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình ông Pờ Tùng Cấu, Lý Xuyến Phù, Sừng Sừng Khai... Bây giờ, bản Hà Nhì ở Sín Thầu sạch sẽ, văn minh với những nhà lợp tôn kiên cố, chuồng trại cách xa nơi ở, nhiều hộ đã có ti- vi, xe máy, có truyền hình vệ tinh. Mặc dù vẫn còn nghèo, còn thiếu thốn, nhưng các điểm trường ở Sín Thầu, Chung Chải đã có tỷ lệ học sinh đến trường trong độ tuổi đi học khá cao, gần như không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Không còn sống khép kín trong cộng đồng, Sín Thầu bây giờ còn thu hút khách đến với địa phương với những tua du lịch hết sức đặc biệt. Nếu mốc chủ quyền số 0 ở cực Tây là mục tiêu chinh phục của những người mê du lịch khám phá ở bất kỳ độ tuổi nào, bởi ai cũng khát khao được đứng ở nơi đặt bút vẽ điểm đầu tiên trên bản đồ đất nước, ở ngã ba biên giới nơi "một con gà gáy, ba nước Việt - Lào - Trung cùng nghe", thì ngày Tết cơm mới của đồng bào Hà Nhì lại là một dịp lý tưởng để du khách có thể trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc, thấm đẫm tình người Tây Bắc.
Bà Pờ Mì Ly, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, một người con của dân tộc Hà Nhì, tự hào cho biết: "Mấy năm nay, cứ đến Tết, nhà nào trong bản cũng có khách đăng ký ở chật kín. Trong đó có cả những nghệ sĩ, nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng muốn được chung vui với Tết Hà Nhì".
Còn chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu khẳng định: “Trong lòng mỗi người dân Hà Nhì ở Sín Thầu luôn có tình cảm trân trọng dành cho Bác. Người Hà Nhì lúc nào cũng tâm niệm, phải học và làm theo tấm gương của Người. Sâu xa về nội dung, có thể người dân chưa hiểu hết, nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con đều hiểu cần học Bác từ những việc giản đơn; học Bác từ những việc làm thường ngày của bản thân, gia đình như: tập trung phát triển kinh tế, giữ rừng, bảo vệ, gìn giữ vững chắc biên cương của Tổ quốc... Người Hà Nhì ở Sín Thầu đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, giữ chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của toàn huyện”.
Không những vậy, công tác xây dựng Đảng ở Sín Thầu cũng là một bài học kinh nghiệm đối với các địa phương khác. Từ thực tiễn địa phương, Đảng ủy xã đã họp bàn và ra nghị quyết điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm “biệt phái” về các thôn “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên. Đơn cử như tại bản Tả Khó Khừ, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ðảng bộ xã, các chi bộ bản đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp dân kết hợp tuyên truyền lồng ghép công tác xây dựng Ðảng, đoàn thể đến người dân. Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội giác ngộ lý tưởng cách mạng của Ðảng cho quần chúng nhân dân, thế hệ trẻ.
Từ đó, phát hiện bồi dưỡng cá nhân ưu tú, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, trí thức trẻ có lập trường tư tưởng vững vàng đề nghị xem xét kết nạp Ðảng. Khi chi bộ ghép đủ điều kiện về số lượng đảng viên và hoạt động vững mạnh thì thực hiện tách, thành lập chi bộ độc lập. Qua nhiều năm kiên nhẫn, bền bỉ phát triển đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã Sín Thầu đã có 12 chi bộ trực thuộc, 95 đảng viên. Đảng bộ xã đã lãnh đạo đồng bào Hà Nhì vững tin theo Đảng, vâng lời Bác, kiên cường bám bản, chung tay cùng với BĐBP giữ bình yên biên giới và bảo tồn, phát huy tốt bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc mình./
Cả xã Sín Thầu có diện tích hơn 16.000ha, dân số hơn 1.400 người cư trú ở 7 bản, trong đó có bản Tả Kố Khừ và A Pa Chải có trên 98% là người dân tộc Hà Nhì. Toàn xã có 40,5km đường biên giới quốc gia, có 16 cột mốc, trong đó có cột mốc tiếp giáp giữa 3 nước: Việt Nam, Lào và Trung Quốc.