Khơi nguồn của các tác phẩm múa
Nhìn lại hành trình hơn nửa thế kỷ sáng tạo các tác phẩm múa chuyên nghiệp đã qua, các biên đạo múa, các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định, những điểm sáng, những dấu ấn lịch sử trong các tác phẩm múa thành công đều có cội nguồn sáng tạo từ múa dân gian DTTS.
Nhận định đó hoàn toàn đúng và vô cùng thuyết phục khi nhìn lại những tác phẩm múa chuyên nghiệp từng gây được tiếng vang. Đầu tiên phải nhắc đến tác phẩm múa “Tây Bắc vui tươi” của biên đạo múa Hoàng Châu. Đây là tác phẩm sử dụng chất liệu múa DTTS đầu tiên trong sáng tạo múa chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tiếp theo đó, biên đạo Hoàng Châu cùng biên đạo Phùng Nhạn đã sáng tác múa “Chim Gâu”, dựa trên chất liệu từ múa dân gian Cao Lan…
Hay tác phẩm múa “Đàn chim công” của nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh được lấy chất liệu múa dân tộc vùng Tây Nguyên, “Khúc biến tấu từ những pho tượng cổ” của dân tộc Chăm. Nghệ sĩ Đặng Hùng với những tác phẩm “Đoa pụ” (Đội bình), “Quạt Chăm”, “Khát vọng”, “Trống Baranưng”… đều lấy cảm hứng sáng tạo từ múa dân tộc Chăm.
Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, nhiều biên đạo múa trẻ cũng thành công trong việc vận dụng chất liệu dân tộc vào trong tác phẩm của mình. Múa “Khèn núi” của Mai Trung Hưng; hay “Men tình” của Quỳnh Dương - Kim Chung, vừa tôn vinh được nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại.
Tất cả các tác phẩm này đều giành huy chương trong các cuộc thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Kết quả này thấy rằng, chất liệu múa dân gian DTTS luôn có một vị trí và đặc trưng riêng trong kho tàng múa Việt Nam.
Theo đánh giá của Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh, các biên đạo múa nhiều thế hệ đã thấu hiểu những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị cấu trúc nghệ thuật và những đặc trưng, những bản sắc văn hóa, bản sắc nghệ thuật múa dân gian của các DTTS Việt Nam. Và chính những giá trị, những bản sắc ấy là nguồn cội, cảm hứng sáng tạo những tác phẩm múa có chất lượng.
Sáng tạo phải dựa trên gốc rễ
Luôn có một vị trí, đặc trưng riêng là thế, nhưng thực tế hiện nay, vẫn xuất hiện những tác phẩm múa dân gian được biên đạo, dàn dựng dễ dãi, sử dụng ngôn ngữ múa lai tạp, vay mượn đến mức khiên cưỡng.
Ngôn ngữ múa dân tộc hiện đại, cũng là vấn đề rất đáng bàn trong sáng tác của một số biên đạo trẻ. Hiện nay, hòa trộn ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc với múa hiện đại phương Tây đang trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự khai thác quá đà ngôn ngữ múa hiện đại, đã khiến múa dân gian không còn là chính mình. Hình ảnh duyên dáng của những cô gái Tày, Thái, những bước xúng xính váy hoa của cô gái Mông xuống chợ thỉnh thoảng lại được xen kẽ với những cú “đá”, “xoạc chân”, “lăn”, “bò”... trên mặt sàn không phải hiếm và rất phản cảm.
Trên sân khấu múa hiện nay, một số biên đạo lấy trang phục dân tộc làm phương tiện để thông báo tới khán giả về dân tộc mình phản ánh, còn dường như chất liệu ngôn ngữ, phong tục dân tộc thì không được quan tâm. Có người đưa động tác múa dân gian của một dân tộc lên sân khấu, nhưng lại sử dụng âm nhạc, trang phục truyền thống của dân tộc khác; hoặc trang phục được làm mới, mất đi nét đặc trưng của dân tộc đó...
Các biên đạo múa nhiều thế hệ đã thấu hiểu những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị cấu trúc nghệ thuật và những đặc trưng, những bản sắc văn hóa, bản sắc nghệ thuật múa dân gian của các DTTS Việt Nam. Và chính những giá trị, những bản sắc ấy là nguồn cội, cảm hứng sáng tạo những tác phẩm múa có chất lượng.”
Theo đánh giá của Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh
Đơn cử là câu chuyện của một vài năm trước, ngay trên sóng truyền hình quốc gia một nữ ca sĩ và các vũ công mặc trang phục Mông biểu diễn ca khúc dân ca Thái “Inh lả ơi”. Sự nhầm lẫn đã khiến nhiều người yêu văn hóa dân tộc cảm thấy đáng buồn.
NSƯT Cao Chí Hải cho rằng, để giữ gìn những giá trị cốt lõi, tinh túy của múa dân gian các DTTS, từ đó phát triển và bổ sung hoàn thiện hơn cho các tác phẩm múa chuyên nghiệp. Bên cạnh việc các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng trong quá trình giảng dạy cho các biên đạo trẻ thì bản thân các biên đạo cũng cần phải tự trau dồi kiến thức để hiểu sâu về văn hóa dân tộc nói chung, múa dân gian dân tộc nói riêng. Có như vậy, khi sáng tạo tác phẩm mới không mắc những sai lầm đáng tiếc.
Múa đương đại ra đời phù hợp với hơi thở thời đại, phản ánh được các nội dung mới mẻ của thời đại, tiếp thu tinh hoa của múa đương đại nước ngoài để làm giàu cho múa đương đại Việt Nam. Nhưng múa đương đại cũng cần tiếp thu tinh hoa của múa dân gian các dân tộc, làm cái gốc, làm hạt giống mà lai tạo, làm chủ đề mà phát triển vì múa dân gian là hồn cốt của dân tộc.