Miền ký ức đầu tiên
Hát ru từ bao đời nay vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người Việt, là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi mỗi vùng miền, địa phương, mỗi dân tộc lại có những điệu hát ru riêng biệt, tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng, như: Hát ru vùng đồng bằng Bắc bộ, hát ru Huế, hát ru Nam bộ, Trung bộ, hát ru Tây Nguyên, hát ru các DTTS miền Đông Bắc, Tây Bắc, hát ru Thanh Nghệ Tĩnh...
Lời ru của các dân tộc tuy có nội dung khác nhau, nhưng giống ở quãng ngân, tổ chức ngôn ngữ có sự điệp và liệt kê, lặp lại. Điều này giúp đưa con trẻ vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, tưới mát tâm hồn con trẻ, kết nối sợi dây gắn kết tình yêu thương, những lời căn dặn, ước mong, và cả văn hóa của dân tộc mình.
Chính bởi vậy mà hình ảnh các bà, các mẹ vừa đưa nôi, vừa ngân nga điệu hát ru đã trở thành hình ảnh giản dị, thân thuộc nhưng cũng hết sức thiêng liêng, đẹp đẽ.
Lọt lòng và lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ, bà Nguyễn Thị Điềm (sinh năm 1963), một người con dân tộc Tày không thể quên được những lời ru da diết của dân tộc mình. Để cho đến tận bây giờ, dù đã bước sang tuổi xế chiều, chỉ nghe văng vẳng tiếng ru quen thuộc, bà vẫn không khỏi bồi hồi.
“Lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi bằng những tình cảm chân thật, mộc mạc mà yên bình. Chỉ cần nhớ lại, là cả bầu trời tuổi thơ như hiện ra trước mắt, đẹp đẽ và nguyên vẹn”, bà Điềm chia sẻ.
Cũng chính vì ý nghĩa của những câu hát ru, sau này, những đứa con của bà Điềm lớn lên cũng trong tiếng ru của bà. Bà Điềm nói, mong muốn những đứa trẻ lớn lên cùng với lòng tôn kính mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, sống nhân ái…
Còn đối với Mùa Thị Mai (dân tộc Mông, sinh năm 2004), lời ru của bà, của mẹ là một phần trong ký ức tuổi thơ em. Em bộc bạch rằng, sau này càng lớn lên, em càng hiểu được sâu sắc ý nghĩa của những lời ru đó, và càng nhận ra vẻ đẹp riêng biệt, vừa da diết, vừa như hơi thở, như tiếng lòng của dân tộc mà không thể trộn lẫn với bất cứ thể loại nhạc nào khác.
Theo TS. Trần Ngọc Hiếu, dù lời ru được xếp vào văn học dân gian, nhưng khác với thơ ca thông thường, vì chúng có chức năng sinh hoạt thực hành. Lời ru có ý nghĩa thiêng liêng, là những bài thơ, bản nhạc, câu chuyện đầu tiên về lịch sử cộng đồng mà đứa trẻ được tiếp xúc. Lời ru cũng ẩn chứa nhiều điều mà cộng đồng mong muốn, như là phương tiện cho trẻ tri nhận cảnh quan thiên nhiên, môi trường xã hội, khơi dậy lòng trắc ẩn với đời sống...
Do đó, có thể cảm nhận, các bài hát ru không chỉ là cả thế giới hồn nhiên, với những hình ảnh bình dị và hết sức gần gũi với tuổi thơ, mà lời hát ru còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách của con người, bồi đắp tình yêu quê hương, gia đình và đời sống tâm hồn của trẻ.
Lời ru - nay còn đâu…
Mặc dù ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa quý báu được trao truyền bao đời, nhưng đáng buồn, trong nhịp sống hiện đại, hối hả hôm nay, để bảo tồn, phát huy những lời ru là điều không hề dễ dàng. Cùng với sự giao thoa văn hóa, và làn sóng tấn công mạnh mẽ của các dòng nhạc thời thượng, những bài hát ru dường như đã bị mai một đi ít nhiều và trở nên xa vời với đời sống cộng đồng.
Nhiều người mẹ hiện đại đã dần quên mất tiếng hát ru, một phương thức trao truyền tình cảm độc đáo mang bản sắc riêng của phụ nữ Việt Nam.
Thậm chí, không ít người đã tìm cách “lấp chỗ trống” bằng cách tìm mua các loại băng, đĩa nhạc hát ru có sẵn, để bật lên cho con trẻ nghe.
Tuy nhiên, âm thanh được phát ra từ băng đĩa nhạc này dù hay đến mức nào đi nữa, thì vẫn không thể thay thế được những lời ru được cất lên từ chính những người thân yêu. Điều này cũng làm mất đi sự kết nối giữa mẹ - con, ảnh hưởng với quá trình phát triển tiềm thức của thế hệ sau về nền âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Không chỉ thiếu vắng trong mỗi gia đình, trên sân khấu, mảng đề tài về hát ru cũng ngày một trống vắng, ít diễn viên tìm đến và thể hiện. Điều này khiến cho những bài hát ru cổ truyền ít được phổ biến, những làn điệu ru mới xuất hiện thưa thớt.
“Giá trị tinh thần quý giá mà cha ông để lại nếu như mình không giữ gìn thì sẽ bị mai một, trôi vào dĩ vãng. Khi đó, mình đã tự đánh mất đi bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc”, bà Nguyễn Thị Điềm trăn trở.
Cũng theo bà Điềm, thế hệ trẻ chính là thế hệ tiếp nối các giá trị văn hóa, do đó, điều quan trọng, là làm thế nào để những lời ru được không ngừng lan tỏa, giữ gìn trong cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ.
Muốn làm được điều đó, những thanh âm hát ru phải được phát huy, kế thừa có chọn lọc, để vừa mang không khí mới của thời đại, không xa rời giới trẻ mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Còn với nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, người đã xây dựng nhiều dự án liên quan đến nghệ thuật dân tộc tại Việt Nam, bảo tồn bản sắc dân tộc, trong đó có ngôn ngữ và hát ru, không phải là câu chuyện của riêng ai, mà của cả cộng đồng.
Bên cạnh ý thức ru con bằng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, cần có những người trong cộng đồng có ý thức sưu tầm, soạn thảo các bài hát và thu âm, ghi hình đưa lên internet để cộng đồng có thể tiếp cận... Bởi các nền tảng trực tuyến cũng đang được coi là một phương cách để chia sẻ, quảng bá rộng rãi lời hát ru tới cộng đồng.
Trong thời gian tới, để việc bảo tồn, đánh thức những lời ru đạt hiệu quả và hiệu ứng mạnh mẽ, cần có sự quan tâm hơn nữa của các nhà quản lý, các tổ chức cộng đồng. Từ đó có những bước đi phù hợp, không chỉ bảo tồn lời ru, mà còn quảng bá, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tiếp nối những nét đẹp truyền thống bao đời.