Do lần đầu tiên sử thi Tây Nguyên được phát hiện và giới thiệu vào năm 1927 (sử thi Dăm Săn), và tiếp sau đó lại thêm vài sử thi khác được tìm thấy và giới thiệu đều là của đồng bào Ê Đê, nên lúc ban đầu mọi người nghĩ rằng chỉ có người Ê Đê - khu vực Nam Tây Nguyên mới có sử thi.
Mãi đến năm 1988, khi tìm thêm được một số sử thi của các dân tộc khác trên toàn Tây Nguyên thì mọi người mới hay nơi đây còn có cả một kho tàng sử thi chưa biết hết. Thế là một dự án cấp nhà nước “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” được Chính phủ phê duyệt, giao Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tiến hành từ năm 2001 đến 2007 đã cho ra một kết quả không ngờ. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum thôi đã có đến trên 100 sử thi Xơ Đăng và trên 60 sử thi Ba Na được phát hiện (Ở các dân tộc khác trên địa bàn Kon Tum chưa phát hiện được sử thi). Với số lượng kể trên, mọi người mới biết rằng mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên này là cả một… “vương quốc” sử thi! Trong tổng số trên dưới 170 tập sử thi đồng bào DTTS ở Kon Tum ấy đã có khoảng một phần ba tập được phiên âm tiếng dân tộc, dịch ra tiếng phổ thông, và xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
Ở sử thi Ba Na, ngoài một số rất ít tập kể chuyện với tên tuổi vài nhân vật khác, còn đa số đều xoay quanh nhân vật Giông và Giỡ (chủ yếu là Giông). Có thể kể: Giông - Giỡ mồ côi từ nhỏ, Giông - Giỡ đi săn chém cọp của Dăm Hơ Dang, Giông làm nhà mồ, Giông cứu đói dân làng mọi nơi, Giông cứu nàng Rang Hu, Giông đánh quỷ Bung Lung, Giông đánh đổ núi đá cao ngất…
Ở sử thi Xơ Đăng thì hầu như chỉ xoay quanh nhân vật Dăm Duông. Mỗi câu chuyện về Dăm Duông được kể riêng biệt, nhưng gần như trong một tổng thể liên hoàn về nhân vật này. Có thể kể một số chuyện: Dăm Duông ở trên trời, Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, Dăm Duông làm thủ lĩnh, Dăm Duông đi theo thần Tung Gur, Dăm Duông làm nhà rông, Dăm Duông cứu nàng Bar Mă…
Sử thi có một số đặc điểm, về thời gian: thời hồng hoang xa xưa; không gian: miền núi rừng hoang dã; sự kiện: hào tráng, thần kỳ; ngôn ngữ: phóng đại; nhân vật: nửa người nửa thần… Những đặc điểm ấy nhằm để mọi diễn biến đều mang yếu tố siêu nhiên, phi thường. Có phải đó là cách gửi gắm những ước mơ thích nghi môi trường, khắc phục thiên nhiên, bớt kẻ xấu ác… mà con người khó thực hiện được trong cuộc sống cộng đồng?
Muốn gửi gắm mơ ước ấy thì những nhân vật chính trong sử thi đều được xây dựng như một vị “á thần”, tức họ cũng là người xuất thân từ cộng đồng, gần gũi với cộng đồng, nhưng tài trí vô song, dáng vóc và sức khỏe vô địch, nhân cách và đạo đức cao đẹp, nhất là đã được thần linh trao truyền cho những bí quyết, những khả năng siêu phàm để “cứu nhân độ thế”.
Ví dụ Dăm Duông - nhân vật chính trong sử thi Xơ Đăng - là người được sinh ra trong gia đình ông Gleh ở một làng nọ. Nhưng nguồn gốc ông Gleh lại là con trai của Tơ Rõh là Thần Sấm sét ở trên trời. Trước đó, Thần Tơ Rõh thấy con trai Gleh của mình không đủ các tố chất cần thiết để trao truyền quyền phép nên đã cho xuống mặt đất sinh sống. Rồi khi thấy trong đàn con của Gleh - tức cháu nội của mình - có được Dăm Duông là đứa thông minh, khỏe mạnh, siêng năng, đức độ nhất, hầu như hội đủ điều kiện cần thiết, thì Thần Tơ Roh quyết định đưa Dăm Duông lên trời ở với mình từ bé và trao truyền phép thuật cho cháu nội. Như vậy, về danh nghĩa thì Dăm Duông ở trên trời, nhưng thực chất thì được ông nội thường cho về nhà, về làng, tức xuống mặt đất để thực hiện những hành động giúp đời, cứu người.
Muốn có một “con người” tài giỏi như vậy, sức tưởng tượng tuyệt vời của dân gian đã khéo léo cấu trúc nhân vật Dăm Duông mặc dầu xuất thân là người thường nhưng có gốc gác thần linh, tôn vinh Dăm Duông như một vị… “á thần”. Mà đã là Thần nên trong hằng trăm câu chuyện kể về Dăm Duông đều là những việc làm phi thường, tốt đẹp để cứu giúp cõi người.
Những tập sử thi Xơ Đăng, Ba Na dày dặn đang được lưu trữ ở Thư viện tỉnh. Hãy đến với Sử thi đồng bào DTTS ở Kon Tum để thấy nơi đây quả là một “Miền đất huyền ảo” (từ dùng của nhà dân tộc học Dam Bo).