Cả làng đang bộn bề công việc nương rẫy vụ mùa. Chỉ đến chậm một chút thôi, hẳn là chúng tôi đã không gặp được bà Y Phôih. Kể từ khi các cán bộ văn hóa đến tìm hiểu, lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đến giờ, đã lâu, mới lại có người quan tâm hỏi han về hơ mon của đồng bào Ba Na (nhánh Jơ Lâng), bà Y Phôih tỏ vẻ ưng cái bụng lắm, vui vẻ nói cười.
Xếp gọn lại chiếc gùi nặng đồ chuẩn bị lên rẫy, bà Y Phôih đưa chúng tôi vào căn nhà nhỏ, hát kể cho nghe một đoạn trong sử thi “ Yă găl gao”.
Hơ mon “Yă găl gao” là câu chuyện kể giản dị về một người mẹ Ba Na giã “gao” - một loại hạt như hạt kê của người Kinh, dùng làm rượu ghè. Cậu con trai nhỏ quanh quẩn chơi bên mẹ. Không biết làm gì, mẹ giã đến đâu, cậu bé cứ lấy gao ra ngồi đếm. Hạt gao nhỏ tròn, bé xíu như đầu tăm, chỉ một nắm thôi, cũng làm sao kể hết bao nhiêu hạt. Ấy vậy mà, cậu bé đã kiên trì “làm bạn” với mớ hạt gao như một trò chơi gần gũi của tuổi nhỏ. Cũng như mì, lúa, ngày xưa, gao được trồng trên rẫy mỗi năm một mùa. Người Ba Na không có thói quen ăn gao như ngươi Kinh ăn hạt kê, mà chủ yếu dùng nấu chín, trộn với cơm và men lá để làm rượu ghè. Rượu ghè đượm vị, say nồng, thơm ngon không thể thiếu trong những bữa vui gia đình, hội lễ cộng đồng.
Người Ba Na (nhánh Jơ Lâng) sống ở vùng suối Đăk Tờ Re, nơi con sông Đăk Bla chảy qua là mảnh đất có bề dày lịch sử đáng tự hào, trải qua bao năm tháng, vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó, cùng với cồng chiêng, xoang; chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa…, không thể không kể đến hơmon - hát kể sử thi. Cũng như các nhánh khác của dân tộc Ba Na, hơmon của nhóm Jơ Lâng cũng có nguồn gốc cổ xưa là chuyện về người dũng sĩ tên Giông. Hay hát kể và được nhiều người yêu thích là chuyện về anh em Giông - Giớ mồ côi, cọp bắt Giông từ thuở bé, Giông làm nhà mồ, Giông đánh quỷ Bung Lung, Giông cứu đói dân làng …
Không rành tiếng phổ thông nên qua “phiên dịch” của anh A Ngôi - cán bộ văn hóa thông tin xã Đăk Tờ Re, Nghệ nhân ưu tú Y Phôih kể: Mười chín, hai mươi tuổi, tôi đã biết hát kể hơ mon, sau nhiều tháng ngày đi theo nghệ nhân hát kể giỏi nhất làng Y Ất. Ban đầu cũng khó lắm, vì hơ mon đâu phải như dân ca, như hát thường. Hát kể phải rõ từng lời, từng câu, giọng lên giọng xuống. Để hát kể đúng cách, phải lấy hơi, giữ hơi tốt, phải biết cách ngắt, cách ngân đúng điệu. Vì yêu thích, nên tôi không quản ngại học hỏi, luyện rèn. Cả làng chỉ có tôi yêu thích, ham học hơ mon nên “bà thầy” Y Ất cũng chẳng tiếc gì mà không tận tình chỉ dạy.
Cuộc sống có nhiều đổi thay. Không còn những lúc ăn mùa, những ngày nghỉ ngơi, những khi tang gia tụ tập đông người để nghe hát kể, nhiều khúc hơ mon bà Y Phôih từng nằm lòng cũng bị lãng quên dần. Nhiều bài ngày trước thuộc làu, giờ mỗi bài chỉ còn nhớ vài câu. Nhớ đầy đủ, có thể kể đến là chuyện về Yă rơven, Yă găl gao, Pơ Kao Kun Krong…; thỉnh thoảng vẫn được bà hát kể cho bà con trong dịp hội làng, hay là chuyện trò ôn lại kỷ niệm…
Cuộc sống có nhiều đổi thay là điều đáng mừng, nhưng trong thâm tâm, bà Y Phôih vẫn chạnh lòng vì hơ mon của người Ba Na đã lâu rồi không còn nhiều người nghe nữa, người làng cũng không chú ý giữ gìn.
“Cả làng chỉ có mình tôi hát kể thôi. Cũng muốn dạy cho con cháu đó, mà không ai muốn học cả. Nghĩ cũng buồn lắm chứ, mai mốt Kon Klơng chẳng còn hơ mon nữa rồi…” - Nghệ nhân ưu tú Y Phôih ngậm ngùi.
Là nữ nghệ nhân hát kể sử thi duy nhất hiện còn trên địa bàn tỉnh, bà Y Phôih mong sao có lớp truyền dạy hơ mon mở cho trẻ. Được như vậy, thì cho dù đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn sẽ ôn luyện lại để hát thật hay và chỉ bảo cho con cháu giữ lấy những cái đẹp, cái hay của ông bà.