“Truyền lửa” nghề
Ở hầu hết các sự kiện văn hóa được huyện Nam Trà My tổ chức, bên cạnh “gương mặt thân quen” như Hồ Văn Thập - người được mệnh danh là “Vua đàn đá”, còn có nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa trình diễn nghề dệt truyền thống, phục vụ du khách. Bà ngồi đó, cần mẫn thực hiện các công đoạn dệt, luồn từng sợi chỉ, hình thành nên một dải thổ cẩm mịn màng, lung linh sắc màu văn hóa.
Bà Hoa nói, với người Xơ Đăng, giá trị lớn nhất của thổ cẩm không nằm ở giá bán của sản phẩm mà thể hiện ở đường nét tinh tế trên mỗi tấm thổ cẩm của nghệ nhân. Đó là giá trị văn hóa kết tinh bằng sự khéo léo và sáng tạo mà nhiều khi không thể quy đổi bằng tiền. Thổ cẩm là văn hóa, là tình yêu của người dệt gửi gắm qua từng sợi chỉ, tạo nên sắc chàm đen đỏ hòa phối một cách đặc trưng.
Những dịp lễ hội truyền thống như tục cúng máng nước, ăn trâu huê…, đồng bào Xơ Đăng lại khoác lên mình sắc màu thổ cẩm rực rỡ như những đóa hoa rừng. Trong số rất nhiều tấm choàng, tấm khố đó là do chính đôi bàn tay của nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa sáng tạo nên. Năm ngoái, từ chương trình đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trà My tổ chức, bà Hoa đã trở thành “cô giáo” của hơn 30 học viên là phụ nữ dân tộc Xơ Đăng. Được truyền dạy cách dệt thổ cẩm cho chị em và thế hệ con cháu dân tộc mình, đó là tâm nguyện lớn nhất của nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa.
Đau đáu với văn hóa dân tộc
Làm bạn với khung dệt, bà Hoa là một trong số ít nghệ nhân Xơ Đăng còn biết cách dệt hoa văn nguyên bản trên thổ cẩm truyền thống. Bà chia sẻ, từ lúc còn thơ bé, bà đã được mẹ truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người Xơ Đăng phải vào rừng để trú ẩn nên nghề dệt cũng bị ngắt quãng một thời gian. Khi hòa bình lập lại, bà Hoa đã nhanh chóng phục hồi nghề dệt truyền thống của đồng bào mình.
Tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ XXI, vì áp lực của cuộc sống, nhiều người Xơ Đăng đã bỏ nghề dệt, riêng bà Hoa vẫn đau đáu với “hồn cốt” dân tộc. “Những năm qua, mình đã dạy được 6 lớp dệt thổ cẩm ở xã Trà Cang, học viên đều là phụ nữ dân tộc Xơ Đăng. Họ tiếp thu nghề rất nhanh khiến mình say mê hơn với công việc”, bà Hoa bộc bạch.
Ông Trần Xuân Mố, Chủ tịch UBND xã Trà Cang nhận xét: “Bà Trần Thị Kim Hoa là người duy nhất ở Trà Cang có tay nghề dệt giỏi cũng như may thành thạo trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhờ những tâm huyết của bà Hoa mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Trà Cang được khôi phục, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng”.