Lời mới cho làn điệu cũ
Tỉnh Tuyên Quang là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, cùng với đó là sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là các làn điệu dân ca. Người Tày có then, cọi, người Dao có páo dung, người Cao Lan có sình ca, người Nùng có sli, người Sán Dìu có soọng cô... Những lời dân ca cổ vô cùng quý, nhưng lại hạn chế về số lượng bài. Để di sản sống được trong đời sống đương đại thì cần có những làn điệu dân ca gần gũi với đời sống mới của người dân. Chính vì vậy, những nghệ nhân dân ca tại tỉnh Tuyên Quang đã được tỉnh, cơ quan chuyên ngành khuyến khích đặt lời mới cho dân ca và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ông Lộc Minh Tân, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Na Hang, là một trong những nghệ nhân tâm huyết với hát then. Từ 300 bài then cổ được ông sưu tầm, đến nay ông đã sáng tác 100 bài then lời mới, như: “Côn Lôn đổi mới”, “Bản em ngày mới”, “Na Hang tươi đẹp”… Trong những bài then do ông sáng tác, bài then “Na Hang tươi đẹp” luôn được các nghệ nhân và đội văn nghệ trong tỉnh lựa chọn biểu diễn. Tại Cuộc thi hát then, đàn tính toàn tỉnh năm 2014, bài then “Na Hang tươi đẹp” đã đạt giải tiết mục xuất sắc nhất.
Hay làn điệu hát páo dung của dân tộc Dao cũng được nhiều nghệ nhân đặt lời mới. Trong đó phải kể đến những nghệ nhân: Bàn Xuân Triều (TP. Tuyên Quang), Chu Tuần Ngân (Yên Sơn), Phàn Văn Phú (Hàm Yên)... Với tư duy mạnh lạc và cách lựa chọn diễn đạt bằng trực quan sinh động, dùng sự vật thân quen, gần gũi để liên tưởng cảm xúc của mình. Chính những lời ca gần gũi, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của con người trong thời đại mới đã tạo được sức hấp dẫn cho thế hệ trẻ.
Em Bàn Thị Nhị là hạt nhân văn nghệ ở xã Yên Phú, huyện Hàm Yên cho biết: “Làn điệu páo dung truyền thống rất mượt mà nhưng vẫn có một số lời bài khó thuộc, khó hiểu. Vậy nên khi được hát và biểu diễn làn điệu páo dung với ca từ mới, em cảm thấy rất thân thuộc, dễ cảm nhận và dễ hát”.
Để chứng minh cho những cảm nhận của mình về hát páo dung bằng lời mới, Nhị đã hát tặng chúng tôi bài hát “Quê em đổi mới” của nghệ nhân Chu Tuấn Ngần. Trong đó có đoạn viết: “Quê em ngày xưa hoang vắng/Nghèo đói tăm tối bủa vây bản làng/Toán cướp hoành hành bắt bò, trâu vô cớ/... Ơn Đảng, Bác Hồ soi dẫn đường chỉ lối/Trung Minh giờ ánh sáng mở rộng khắp muôn nơi/Cơm no, áo ấm, bản làng bình an/Rừng xanh rì rào tiếng chim hót ngày đêm...”
Hướng đi đúng đắn
Chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác, nghệ nhân Lộc Minh Tân cho biết: “Để đặt lời mới cho dân ca, nghệ nhân cần am hiểu làn điệu dân ca cổ, phải có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ và khả năng sử dụng vốn từ một cách phong phú. Ông thường sáng tác thơ thể loại 7 chữ, câu thơ nhuần nhuyễn vần điệu, luật bằng trắc. Từ đó, bài thơ dễ dàng chuyển thành giai điệu dân ca. Chủ đề sáng tác lời mới khá phong phú, trong đó, xuyên suốt là mạch nguồn xúc cảm về tình yêu quê hương, làng bản với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi, lối tư duy theo mạch thẳng, dễ hiểu và thân thuộc...
Không chỉ làn điệu then, cọi của người Tày, páo dung của người Dao mà hát soọng cô của người Sán Dìu, hát sli của người Nùng cũng được những nghệ nhân dân tộc sáng tác lời mới, tạo nên sự phong phú cho văn hóa dân tộc. Việc đặt lời mới cho các làn điệu dân ca đã mở thêm con đường để âm nhạc dân gian có sức sống lâu bền, trường tồn theo thời gian.
Đây cũng chính là hướng đi hợp lý, bởi di sản văn hóa phi vật thể luôn có sự vận động theo đời sống, thời gian. Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, khi ngôn ngữ, sinh hoạt thay đổi thì nghệ thuật cũng biến đổi. Để di sản có sức sống trường tồn trong đời sống đương đại thì cần có những yếu tố phù hợp với đời sống mới.