Xóa mù chữ để xóa nghèo
Thực hiện Tiểu Dự án 1 “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS” thuộc Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo; ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục, với mong muốn "xóa mù chữ là để xóa nghèo".
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Tiểu dự án 1- Dự án 5 giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp 213 phòng công vụ cho giáo viên; 619 phòng ở cho học sinh bán trú; 59 phòng quản lý học sinh bán trú; 76 phòng nhà ăn, nhà bếp; 82 nhà kho chứa lương thực; 68 công trình vệ sinh, nước sạch; 54 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 739 phòng học thông thường, phòng học bộ môn; 64 công trình phụ trợ; mở 890 lớp xóa mù chữ cho 26.700 người.
Tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 740.364 triệu đồng, trong đó ngân sách T.Ư 705.108 triệu đồng, ngân sách địa phương 27.069 triệu đồng.
Tại huyện Mèo Vạc, khi mặt trời khuất sau núi đá, chị Sùng Thị Mái, dân tộc Mông ở thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh lại rảo bước đến điểm Trường Tiểu học trong thôn để tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Chinh tổ chức.
Gặp chúng tôi, chị Mái nở nụ cười phấn khởi rồi bộc bạch tâm sự: Trước đây, khi chưa biết chữ, tôi không biết dùng điện thoại, đi xa cũng sợ bị lạc vì không biết chữ nên tôi chỉ quanh quẩn với nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Nhưng từ khi biết chữ, biết tính toán tôi biết sử dụng điện thoại để bán các mặt hàng đặc sản như mật ong bạc hà, thịt treo gác bếp, thịt trâu khô của đồng bào dân tộc Mông trên Facebook, Zalo nên tôi đã có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống nay cũng đỡ vất vả hơn những năm trước rồi”.
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc cho biết: Sau khi rà soát số người chưa biết chữ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lũng Chinh tổ chức lớp xóa mù chữ ngay tại thôn. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đến từng hộ, gặp từng người để tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ. Ban đầu cũng khó khăn, nhưng sau khi vận động, người dân cũng khắc phục khó khăn, bỏ qua mặc cảm để đến lớp học chữ”.
Để lớp học xóa mù chữ đạt chất lượng, Ban Giám hiệu nhà trường đã lựa chọn các giáo viên có kinh nghiệm, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, nhiệt tình tham gia giảng dạy. Nhờ đó, những học viên lớn tuổi mỗi khi đến trường không còn mặc cảm, tự ti.
Cô giáo Lương Thị Xoan, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ thôn Mèo Vống chia sẻ: “Phương pháp giảng dạy với lớp xóa mù chữ giống phương pháp dạy lớp 1. Tuy nhiên cái khó là các học viên đều đã lớn tuổi cho nên việc tiếp thu không nhanh bằng lớp trẻ. Do đó mình cần có phương pháp truyền đạt linh hoạt để học viên tiếp thu tốt”.
Đều đặn chiều tối các ngày trong tuần, lớp học đặc biệt ở thôn Mèo Vống được duy trì. Mặc dù có nhiều mối lo toan trong cuộc sống, nhưng mỗi học viên khi đến lớp đều quyết tâm học chữ mong cuộc sống sớm thoát được nghèo. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh Hà Giang huy động được 8.291 người tham gia học xoá mù chữ (giai đoạn 1: 4.179 học viên; giai đoạn 2: 4.112 học viên). Số người được công nhận đạt chuẩn biết chữ là: 2.250 người. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ (đạt chuẩn mức độ 1 là 28; mức độ 2 là 165).
Linh hoạt công tác tổ chức lớp học
Để đạt được kết quả cao trong công tác xóa mù chữ, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục các cấp tỉnh Hà Giang đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác rà soát đối tượng tái mù chữ trên địa bàn. Từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ.
Xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc có 4.503 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng mù chữ ở lứa tuổi trung niên trở lên vẫn còn nhiều. Ông Phàn Lão Ú, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sủng Trà cho biết: “Xã đã tiến hành rà soát từng thôn để xác định số người chưa biết chữ. Từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học. Hầu hết người tái mù chữ đều là lao động chính trong gia đình, nhận thức về việc học còn hạn chế nên công tác vận động tham gia lớp học gặp khó khăn. Tuy nhiên, các ngành đoàn thể xã tích cực vào cuộc, cán bộ đã chủ động đến từng hộ, gặp từng người để tuyên truyền, vận động, nên bà con cũng đã hiểu và nghe theo”.
Hiện nay, xã Sủng Trà đang mở một lớp xóa mù chữ tại thôn Tả Chà Lảng với hơn 20 học viên. Chị Sùng Thị Chứ, một học viên của lớp ở thôn Tả Chà Lảng, xã Sủng Trà chia sẻ: “Được cán bộ đến tuyên truyền, tôi nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc biết chữ nên dù bận việc gia đình vẫn cố gắng tham gia lớp học. Mình sẽ cố gắng học để biết chữ, biết tính toán để mấy năm nữa khi các con lớn sẽ đi làm công nhân cho công ty ở các tỉnh vùng thấp. Khi đó tự mình biết làm các thủ tục hành chính, biết ký tên, biết trả lời phỏng vấn mà không phải nhờ người khác làm hộ”.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ.
Trên tinh thần đó, các trường vùng cao cũng phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp. Nhiều nơi đã linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy, giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.
Mặc dù trong công tác giảng dạy xóa mù chữ, Hà Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về số lượng giáo viên tham gia giảng dạy tại các lớp học xóa mù chữ. Theo báo cáo, hiện Hà Giang đang thiếu gần 3.000 giáo viên, trong đó giáo viên tiểu học thiếu 752 người. Tuy nhiên với nỗ lực và quyết tâm xóa mù chữ, ngành giáo dục vẫn chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết tham gia xóa mù chữ.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần, hiện nay huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỷ lệ xóa mù chữ mức độ 2 toàn huyện trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi trên 35.000 người đạt gần 80 %. Có được thành quả này chính là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trong việc chung tay xóa nạn mù chữ. Xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, bền bỉ, do đó, ngành Giáo dục đặc biệt là các đơn vị trường học đã cùng cấp ủy chính quyền địa phương tích cực phối hợp để mang “cái chữ”, tri thức đến với bà con.
Có thể thấy, những lớp học đặc biệt trên rẻo cao được triển khai tại Hà Giang thời gian qua đã và đang đưa ánh sáng văn hóa đến với những người dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện đến trường. Biết chữ bà con đã tự tin, phấn khởi để nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí. Đây sẽ là động lực quan trọng để Hà Giang đẩy nhanh giảm nghèo bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.