Nỗ lực đem con chữ đến với đồng bào DTTS
Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả xoá mù chữ được Chính phủ quan tâm đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác xoá mùa chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng đã được Bộ GDĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình xóa mù chữ.
Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để thực hiện chương trình xóa mù chữ, Bộ GDĐT đã ban hành các Thông tư; biên soạn và in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xoá mù chữ dành cho giáo viên, học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng, cán bộ giáo dục các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định công nhận các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ theo các mức độ.
Tại Lạng Sơn, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xóa mù chữ. Ngành giáo dục luôn tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các Trung tâm học tập cộng đồng tích cực điều tra, tổng hợp, phân tích tình hình thực tiễn, triển khai tuyên truyền, huy động tối đa học viên tham gia học xóa mù chữ, xác định công tác xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Sở GD&ĐT đã đưa các giải pháp đẩy mạnh công tác xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, như: Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, chính sách hỗ trợ đối với những người học, cán bộ, giáo viên tham gia công tác xóa mù chữ. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người dân về công tác xóa mù chữ;
Theo bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn, Sở thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT, Trung tâm học tập cộng đồng khai thác, lập kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức dạy học xóa mù chữ, cách tuyên truyền, huy động người dân tham gia học; hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu, dạy học xóa mù chữ...
Đặc biệt, Sở còn tham mưu cho Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 27/9/2022 quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/học viên/giai đoạn của chương trình học xóa mù chữ.
Với các giải pháp thiết thực, Lạng sơn đã tổ chức được nhiều lớp học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, từ tháng 1 đến tháng 9, Lạng Sơn mở 58 lớp xoá mù chữ cho 1317 học viên, dự kiến cuối năm 2023 mở thêm 2 lớp cho 42 học viên.
Ông Lý Văn Hoan năm nay 60 tuổi, xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, chia sẻ: Trước kia, không biết chữ nên rất khổ, có việc lên xã làm giấy tờ cũng không dám đi vì mình không biết chữ. Nhưng từ khi được các thầy cô giáo ở trường Đoàn Kết vận động, gia đình động viên, mình cũng đã theo học lớp xóa mù chữ. Giờ mình đã biết đọc, biết viết rồi.
“Đi học không chỉ biết được cái chữ, học cách làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn được hỗ trợ tiền nên chúng tôi rất phấn khởi”, ông Hoan cho biết.
Theo báo cáo về thực trạng công tác xoá mù chữ của Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được 79.280 người ra học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh được triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, đã huy động được 53.965 người ra học xoá mù chữ, trong đó có 44.087 học viên là người DTTS. Tính đến thời điểm tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 tuổi từ 15-60 của cả nước lần lượt là 98,85% và 97,29%.
Tỷ lệ địa phương đạt chuẩn xóa mù chữ gia tăng
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của cả nước năm 2023 trong độ tuổi từ 15-35: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 99,39% và 98,97%. Độ tuổi từ 15-60: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 98,85% và 97,29%.
Tỷ lệ biết chữ các độ tuổi của 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 năm 2023: Độ tuổi từ 15-35: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 99,24% và 98,73%. Độ tuổi từ 15-60: Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 lần lượt là 98,55% và 96,70%.
Theo đó, tính đến thời điểm khảo sát tháng 9/2023, cả nước có 63/63 tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 1, đạt tỷ lệ 100%; 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong đó, có 21 tỉnh được Bộ GDĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn XMC mức độ 2, còn 36 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn XMC mức độ 1 và mức độ 2, nhưng chưa đề nghị Bộ GDĐT kiểm tra công nhận.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Thường xuyên, so với chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, thì nhiệm vụ XMC vượt 1,6% và vượt 6,2% so với mục tiêu về XMC (đến năm 2025) của Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030”.
Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, công tác xóa mù chữ đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác xóa mù chữ vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Phát biểu tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2023-2030 vừa diễn ra cuối tháng 11/2023, tại Hải Phòng, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được, tỷ lệ huy động người học xoá mù chữ ở vùng đồng bào DTTS còn thấp. Vẫn còn có địa phương còn người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn xoá mù chữ nhưng không huy động hoặc huy động được rất ít người ra học xoá mù chữ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xoá mù chữ ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả…