Nhìn từ kinh nghiệm của các địa phương
Hoà Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, tỷ lệ DTTS chiếm trên 73%. Tuy nhiên, nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nên việc thực hiện XMC đạt hiệu quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 150/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt tỷ lệ 99,3%, trong đó có 1 xã đạt mức độ 1, chiếm 0.7% (xã Hang Kia huyện Mai Châu); 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn XMC mức độ 2, đạt tỷ lệ 100%. Tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Theo ông Hoàng Kiều, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng và Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình): “Công tác tuyên truyền về PCGD, XMC được triển khai rộng rãi thông qua các hội nghị của ngành GD&ĐT, trên các website của ngành GD&ĐT cũng như các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Ban Tuyên giáo, Văn hoá - Thông tin,... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác XMC”.
Với Yên Châu, là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Sơn La, tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí không đồng đều, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi từ 15-60 vẫn còn 4,03 %. Trong đó, đa số là đối tượng phụ nữ và chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Sinh Mun, Thái…
Theo bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của GD&ĐT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập (XHHT) huyện luôn chú trọng công tác rà soát, điều tra nắm rõ số lượng người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ, xây dựng kế hoạch triển khai mở các lớp XMC nhằm duy trì và nâng mức kết quả PCGD tiểu học, XMC. Trong đó, tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác huy động, vận động người mù chữ, người chưa đạt chuẩn biết chữ ra lớp.
Các nhóm thường xuyên đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động, động viên các đối tượng thuộc diện XMC nhận thức được mục đích của việc học tập đó là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”. Khi trò chuyện, tuyên truyền phân tích cho họ hiểu, việc biết chữ để đọc được sách, báo, sử dụng được điện thoại, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; biết ký, viết họ tên khi đi vay vốn để phát triển kinh tế gia đình cũng như biết tính toán khi mua hàng, bán hàng…
“Không chỉ tuyên truyền trực tiếp với đối tượng mù chữ, các nhóm còn phải thực hiện tuyên truyền thông qua việc vận động những người thân trong gia đình để người thân như bố, mẹ, chồng, con cùng vận động và tạo điều kiện cho đối tượng đi học, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái” bà Vũ Thị Tuyết cho hay.
Nhờ đó, trong năm 2023, toàn huyện Yên Châu đã vận động và mở được 6 lớp XMC với 153 học viên đang theo học tại 2 xã Chiềng Tương và Mường Lựm. Đến nay huyện đã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Đổi mới công tác xóa mù chữ
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền thì để nâng cao chất lượng XMC, thì các địa phương cũng chú trọng để đổi mới công tác XMC phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào. Đơn cử như tại huyện Sín Mần, Hà Giang, với đặc thù là huyện vùng cao, đường giao thông đi lại rất khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống thưa thớt, đời sống Nhân dân còn nghèo; trình độ dân trí không đồng đều nên công tác XMC cũng rất khó thực hiện, Toàn huyện Xín Mần vẫn còn trên 13 nghìn người trong độ tuổi từ 15- 60 tuổi mù chữ mức độ 1 và mù chữ mức độ 2 (chiếm 29% dân số trong độ tuổi), tập trung chủ yếu là người DTTS và nữ giới.
Theo bà Nguyễn Thị Nhung, Phòng GD&ĐT huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: Là huyện đa dân tộc, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán sinh hoạt mang bản sắc riêng. Vì vậy khi tổ chức các lớp XMC cho đồng bào dân tộc tại các thôn bản, huyện đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp về phong tục tập quán của đồng bào.
“Phòng GDĐT đã chỉ đạo các trường phân công các thầy cô dạy các lớp XMC linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp. Các giáo viên nghiên cứu nội dung chương trình bài học và soạn giáo án phù hợp với đối tượng học viên; linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như các loại hạt (ngô, đậu) để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ, cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ”, bà Nguyễn Thị Nhung cho biết.
Đứng ở góc độ là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp mù chữ, được đồng hành với các học viên từ buổi đầu vận động đến lớp, bà Phạm Thị Yến Nga, Trường Tiểu học Yên Định, Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho rằng: Để tạo hứng thú cho học viên ngay từ những buổi đầu các cấp các ngành cần quan tâm để mỗi học viên đều nhận thức rõ được sự quan tâm của Đảng đối với việc trao cho họ “cái chữ” để họ có thêm động cơ và mục tiêu học tập.
Bổ sung chế độ, chính sách đối với người học, người dạy
XMC là một công việc khó khăn, vất vả nhưng rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của Nhân dân, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định trong tiếp cận giáo dục của người dân giữa các vùng, miền, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác XMC, thì cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả bền vững lâu dài hơn nữa.
Một trong những giải pháp mà thầy giáo Vũ Hải Hà, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đưa ra là, cần có chế độ chi trả tiền lương cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy lớp XMC theo chế độ dạy vượt giờ quy định, tại Thông tư số 07/2013/TTLT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ Tài chính, nhằm khuyến khích cán bộ giáo viên tham gia tích cực vào công tác XMC.
Chia sẻ về công tác MXC, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về PCGD, XMC như: đảm bảo về đội ngũ giáo viên; bảm bảo về cơ sở vật chất lớp học XMC: điểm trường, Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn/tổ dân phố…;
Trên thực tế, hiện nay việc xây dựng triển khai thực hiện kịp thời chế độ, chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác XMC, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước (già làng, trưởng bản, học sinh, sinh viên,...), tại địa bàn các huyện, các xã vùng DTTS thụ hưởng từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, được thiết kế tại tiểu dự án 1, Dự án 5 cũng đang được các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác MXC và nâng mức xóa mù chữ bền vững, cũng cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách và mở rộng cơ chế chính sách hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của từng vùng miền, từng địa bàn...