Nguồn nước sạch từ Chương trình 1719
A Lưới là huyện miền núi, nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, có đường biên giới dài hơn 80km, tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh Salavan (Lào). Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng và đối ngoại. Tuy nhiên, do là địa phương tập trung nhiều bà con DTTS, đời sống còn lạc hậu, nên trong những năm trước đây, việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Còn bây giờ, khi chúng tôi có mặt vào những ngày cuối tháng 11, nhiều thôn bản đã thay đổi rõ nét. Điển hình như thôn Ta Lo A Hố thuộc xã Hồng Vân, huyện A Lưới, nơi tập trung đông người dân Cơ Tu sinh sống. Đây là thôn miền núi và cách UBND xã khá xa, đời sống của bà con nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Đến như nguồn nước, trước đây, bà con chủ yếu là sử dụng nguồn nước tự nhiên nên sinh ra nhiều bệnh tật, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, công trình nước sạch đã được nghiệm thu vừa qua và đưa vào sử dụng. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Xin, thôn Ta Lo A Hố cho biết: Trước đây, gia đình phải mua ống kéo nước từ khe Tầng-hir và lấy nước từ suối A Lin, cách nhà tầm 4km để sử dụng. Việc lấy nước đã rất vất vả và rất mất thời gian, nhiều khi không đủ nước dùng cho các sinh hoạt cá nhân. Từ ngày có hệ thống nước sạch, gia đình rất vui mừng vì từ nay không phải vất vả trong vấn đề tìm nước sinh hoạt nữa. Những công việc như giặt giũ, tắm rửa, sinh hoạt hằng ngày trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Loài, cán bộ xã Hồng Vân cho biết: Sau nhiều tháng thị công, đến tháng 4/2023, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, cấp nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cho nhiều hộ dân tại xã Hồng Vân, đa số các hộ dân ở đây đều là người Cơ Tu. Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng công trình nước tập trung khiến bà con rất phấn khởi. Đây là công trình rất thiết thực, có ý nghĩa dân sinh lớn.
Tại xã Trung Sơn, hệ thống cấp nước sinh hoạt cho gần 30 hộ dân thôn A Leng, Lê Triêng, Thôn 1, Thôn 2 cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng nguồn vốn gần 4 tỉ đồng. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống cho người dân thôn A Leng, Lê Triêng, Thôn 1, Thôn 2 và các thôn lân cận ngày càng được nâng cao; góp phần thúc đẩy sự phát triển khu du lịch suối Tà Riềng, xã Trung Sơn.
Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng
Với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, huyện A Lưới đã và đang tập trung chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình MTQG, trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có mặt tại xã Quảng Nhâm, trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Kiều không giấu được vẻ vui mừng. Bà cho biết, ngôi nhà của gia đình đang sinh sống bị dột nát, hư hỏng và xuống cấp. Tháng 8/2023 gia đình được vay 40 triệu đồng từ nguồn vay theo Nghị định 28 của Chính phủ, cộng thêm kinh phí của gia đình và sự hỗ trợ của người thân, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố để an cư lạc nghiệp.
Anh Hồ Văn Ngực cũng tâm sự, trước đây đời sống của người dân xã Quảng Nhâm gặp nhiều khó khăn, gia đình anh cũng không nằm ngoài nỗi lo làm sao thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, nhiều hộ dân như anh Ngực đã bắt tay vào trồng sâm Bố Chính. Theo anh Ngực, cây sâm Bố Chính đem lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều các cây trồng khác. Mỗi ha cây dược liệu này có thể đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Ngoài ra, trong thời gian qua, thực hiện các dự án của Chương trình MTQG 1719, huyện A Lưới đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, trồng hoa tuy lip… Đồng thời, kết nối với các công ty để đưa người dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có trên 50 người xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài và đang có hàng chục người chờ xuất cảnh trong thời gian tới. Ngoài ra, khoảng 700 hộ dân được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề… góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi thực hiện các dự án với nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Bà con đồng bào DTTS ở huyện A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trong năm 2022 đến năm 2023 có 80 công trình, dự án được đầu tư xây dựng. Trong đó, có 45 công trình đường giao thông vào các khu sản xuất, đường dân sinh, 5 công trình nước sinh hoạt tập trung, 8 công trình kênh mương, 8 công trình liên quan đến giáo dục, 7 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 dự án làng văn hóa các DTTS, 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư, 1 công trình biểu tượng đường Hồ Chí Minh và 1 công trình san lấp mặt bằng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.
Các nguồn vốn sau khi được phân bổ, cả hệ thống chính trị tại địa phương đã khẩn trương triển khai các nội dung, tiến tới giải ngân để phát huy nguồn vốn đầu tư. Cùng với nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn phát triển sự nghiệp đã tạo ra nhiều sinh kế giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.