Bảo tồn nghề dệt nơi địa đầu Tổ quốc
Nơi cực Bắc Tổ quốc Hà Giang, nghệ nhân Vàng Thị Mai, dân tộc Mông được nhiều người biết và nhắc đến, bởi bà là một trong những người có công hồi sinh, bảo tồn nguyên vẹn nghề dệt lanh Lùng Tám ở huyện Quản Bạ.
Bà Mai biết dệt lanh, thêu thùa từ năm 13 tuổi. Lớn lên chứng kiến, ngành công nghiệp may phát triển, quần áo may sẵn tràn ngập các bản làng. Những chiếc váy, áo sặc sỡ của phụ nữ Mông cứ thưa dần trong những buổi chợ phiên, trên nương rẫy nên ghề dệt thổ cẩm của người Mông cũng theo đó mai một dần. Bà Mai đã có rất nhiều suy nghĩ, phải làm một việc gì đó, để giữ lại cái nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với người Mông, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Năm 1998, bà Mai cùng chồng là ông Sùng Mí Quả, đã đứng ra vận động bà con trong xã góp vốn xây dựng Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Hợp Tiến. Bên cạnh đó, bà còn đi khắp bản làng để vận động chị em dân tộc Mông tham gia vào HTX.
Điểm nhấn của những sản phẩm, là kỹ thuật trồng lanh và chất liệu vải lanh Lùng Tám được làm theo phương pháp thủ công. Đặc biệt, là những đường nét hoa văn được khắc họa trên những đường thêu ẩn chứa ý nghĩa. Do đó, sản phẩm vải lanh Lùng Tám của HTX đã có cơ hội được giới thiệu, trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015; và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.
Được biết, năm 2001 khi hợp tác xã dệt lanh ra đời, ban đầu chỉ có 10 người, sau phát triển đến hơn 100 nhân khẩu, sản xuất đa dạng sản phẩm như vải may mặc, quần áo, túi xách tay, khăn, gối, ví các loại… được dệt, thêu từ chất liệu cây lanh địa phương với những nét hoa văn truyền thống. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, không chỉ đem lại thu nhập, mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông nơi địa đầu Tổ quốc.
Bà Vàng Thị Mai tâm sự: "Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám, khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm, nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng, thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được".
Để nghề dệt lanh Lùng Tám hồi sinh, bảo tồn nguyên vẹn như ngày nay, có thể nói công lao rất lớn là của nghệ nhân Vàng Thị Mai. Suốt nhiều năm qua, bà đã dành tâm huyết, trí tuệ của mình không ngừng bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ Mông nơi "cổng trời" Quản Bạ.
Giữ điệu khèn bè nơi biên cương xứ Thanh
Vượt quãng đường xa, có những chỗ đường toàn ổ gà xóc nảy, chúng tôi cũng đến được bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, nơi sinh sống của nghệ nhân Lương Văn Thêm. Bản Xắng là nơi cư ngụ của phần lớn người dân tộc Thái (chiếm 98%). Hiện nay nghệ nhân Lương Văn Thêm là một trong những người hiếm hoi của bản, của xã biết chế tác khèn bè, tâm huyết truyền dạy người trẻ kế tục điệu khèn bè và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Nghệ nhân Lương Văn Thêm sinh năm 1952, ngay từ nhỏ, chứng kiến bàn tay khéo léo của người cha chế tác ra những chiếc khèn bè đã thôi thúc ông phải tiếp tục kế thừa và lưu giữ cách chế tác khèn.
Năm ông 16 tuổi, với lòng đam mê văn hóa dân tộc, ông được bố truyền cho nghề làm khèn bè. Sau đó một năm, ông Thêm xung phong đi bộ đội. Đến năm 1977 xuất ngũ, ông trở về quê hương công tác trong nhiều vai trò khác nhau, nhưng vẫn gắn bó với nghề làm khèn bè đến tận bây giờ.
Chiếc khèn của người Thái có nhiều nét khác biệt so với những cây khèn của các dân tộc khác. Làm khèn bè đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kỳ công, hiểu rõ từng ống nứa, lá khèn cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. “Chiếc khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm, có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày lễ truyền thống, ngày Tết, lễ mừng thọ, mừng nhà mới, cưới xin...; tạo âm hưởng đưa đẩy những điệu xòe, điệu khắp của đồng bào Thái. Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật của người Thái”, ông Thêm bộc bạch.
Theo ông Thêm, làm khèn bè Thái với người mới học rất khó. Người học phải mất 2 năm mới có thể làm được khèn. Như ông, dù đã thành thạo cũng phải mất một tuần mới làm xong chiếc khèn. Mỗi khi muốn làm khèn, ông phải lặn lội đến xã Yên Thắng cách bản ông đang sống 18km để có được những đoạn nứa tép ưng ý về chế tác khèn.
Ghi nhận những đóng góp của ông với văn hóa dân tộc, năm 2010, ông Thêm được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Với tình yêu văn hóa dân tộc Thái, nghệ nhân Lương Văn Thêm vẫn miệt mài gìn giữ nghệ thuật biểu diễn và chế tác khèn bè của người Thái, mong muốn truyền nghề cho lớp con, cháu để tiếng khèn luôn vang lên trên bản Thái nơi biên cương xứ Thanh.
Già làng có nhiều đóng góp cho vùng biên A Lưới
Đến với huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với nước bạn Lào, chúng tôi có dịp gặp gỡ già làng Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô (ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới). Ông chỉ là người đảng viên mẫu mực của bản làng mà còn là nghệ nhân say mê sưu tầm, quảng bá những điệu múa, làn điệu dân gian, những nhạc cụ của đồng bào Pa Cô.
Già làng Hồ Văn Hạnh năm nay 76 tuổi, đã có hơn 40 năm tuổi Đảng. Ở địa phương, ông luôn tích cực đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp đồng bào từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm. Do vậy, ông luôn được tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, già làng, Người có uy tín của xã.
Bên cạnh đó, già làng Hồ Văn Hạnh còn được nhìn nhận là nghệ nhân văn hóa dân tộc của huyện A Lưới, Ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Cô. Trong nhiều năm, ông thường xuyên lặn lội đến từng bản làng gặp gỡ, nói chuyện với những bậc tiền bối, tích cực sưu tầm, lưu giữ những khúc hát, các điệu múa cổ của cha ông. Không những sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc, già làng Hồ Văn Hạnh còn biết chế tác, sửa chữa và thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll, A bel, khèn, sáo.
Từ năm 2016 đến năm 2018, già làng Hồ Văn Hạnh được mời đến sinh sống tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) để bảo tồn, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc Pa Cô đến du khách trong và ngoài nước. Tại đây, với tính cách vui vẻ, hòa đồng, già Hạnh được bầu làm Trưởng ban Đoàn kết cộng đồng của Làng dân tộc Tà Ôi, Pa Cô.
Với trách nhiệm của mình, già làng Hồ Văn Hạnh cùng đồng bào trong Làng đã tái hiện các lễ hội văn hóa dân tộc gắn với không gian sống của đồng bào, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô đến với khách du lịch thăm Làng.
Khi trở về quê hương, già làng Hồ Văn Hạnh tiếp tục vận động bà con duy trì các câu lạc bộ, đội văn nghệ trong thôn, tổ chức dạy 2 đội văn nghệ của xã học các điệu múa cổ, làn điệu dân gian để phục vụ các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu... Đặc biệt, với sự hiểu biết của mình, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh còn vận động bà con phát triển nghề đan lát, thổ cẩm truyền thống làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch, giúp bà con có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Ngoài những tấm gương nêu trên trong vùng đồng bào DTTS và miền núi còn có rất nhiều nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản...vẫn luôn thầm lặng, mải miết với công việc sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình; đồng thời họ còn trực tiếp truyền dạy cho con cháu, người trẻ tuổi ở địa phương hiểu và kế thừa việc giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã tạo dựng, vun đắp qua các giai đoạn lịch sử.