Vượt qua rào cản, gỡ bỏ định kiến
Câu chuyện bà Vàng Thị Mai, người đã có một hành trình gian nan nhưng đầy tự hào, đưa những tấm thổ cẩm của người Mông từ bản làng xa xôi ở xã Lùng Lán, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đến với trời Âu đã làm rung động nhiều người.
Ngày ấy, chứng kiến nghề dệt thổ cẩm của người Mông ngày càng mai một, bà Mai cứ trăn trở và day dứt, phải làm gì đó để giữ lại nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình. Quyết tâm biến ý nghĩ thành hành động, năm 1998, bà Mai cùng chồng là ông Sùng Mí Quả đã đứng ra vận động bà con trong xã góp vốn xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm. Đôi bàn chân của bà đã đi khắp các thôn, xóm để vận động chị em cùng tham gia. Thời gian đầu chỉ có 10 hội viên cùng vỏn vẹn 13 triệu đồng tiền vốn.
Có tiền trong tay và bắt đầu khởi nghiệp từ “con số 13”. Bà lên kế hoạch, giao chỉ tiêu cho từng nhà trồng cây lanh để có nguyên liệu dệt vải. Khi đã có sản phẩm vải thì lại tính bước tiêu thụ sản phẩm, bán cho ai? bán như thế nào?
Cứ thế, bà Mai luẩn quẩn như đi trong “sương mù”, rồi bế tắc, rồi thất vọng, bao nhiêu áp lực dồn lên đôi vai của bà khi trách nhiệm với các hội viên, vì cả gia tài của họ bao năm tích góp mới có được số tiền ít ỏi, họ đã mạnh dạn góp vốn để xây dựng cơ sở dệt vải lanh do bà đứng ra vận động, thuyết phục. Đứng trước khó khăn trăm bề, nhưng trong sâu thẳm, bà luôn có một ý chí quyết tâm không thể để mất niềm tin với các chị em.
Nghĩ được làm được. Ở giai đọan đó chưa có điện thoại để kết nối, phương tiện giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhưng bà quyết tâm khăn gói vượt “cổng trời” Quản Bạ xuống Thủ đô Hà Nội tìm hiểu thị trường, bà mang sản phẩm đến tham dự các hội chợ triển lãm. Sau những chuyến đi này, nhiều khách hàng đã liên hệ, tìm đến tận nơi để mua sản phẩm và ký các hợp đồng dài hạn. Đến năm 2001, cơ sở dệt chính thức ra đời, người đứng đầu không ai khác chính bà Vàng Thị Mai với chức danh Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến, đánh dấu bước phát triển mới trong sản xuất, xuất khẩu hàng thổ cẩm Lùng Tám.
Kết nối với thế giới bằng sợi lanh
Để tạo ra sản phẩm mới mẻ trên nền thổ cẩm truyền thống, bà Mai với vai trò là Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến đã tìm đến Trung tâm hỗ trợ làng nghề Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở phố Cát Linh (Hà Nội) nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm để tìm kiếm thị trường… Khi trở về địa phương, bà đã hướng dẫn các hội viên làm quen với các hoa văn, họa tiết sản phẩm mới theo nhu cầu thị hiếu của thị trường.
Trải qua bao thăng trầm, năm 2010, lần đầu tiên những tấm thổ cẩm của HTX Hợp Tiến được đưa sang châu Âu và đến nay đã xuất khẩu nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Pháp, Thụy Điển và Italya… Sau 20 năm làm Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến, bà Vàng Thị Mai đã quy tụ được hơn 200 phụ nữ Mông về chung một mái nhà với mức thu nhập ổn định, trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng/người.
Bà Mai nhớ lại: "Thời gian đầu đi vận động chị em vào hợp tác xã khó lắm, họ chưa tin mình. Rồi phong tục của người Mông trước nay thì lại không cho người phụ nữ ra ngoài làm việc, các ông chồng không hiểu đâu". Nhưng rồi những người phụ nữ Mông đầu tiên đã "mạo hiểm" vượt qua những định kiến, phong tục lâu đời để đến nhà bà Mai làm việc. Người ta nhìn thấy sản phẩm, nhìn thấy có thu nhập, suy nghĩ cũng dần thay đổi.
"Từ không bao giờ đồng ý cho vợ tham gia các hoạt động xã hội, đến nay những ông chồng người Mông đã khác. Khi có hội chợ ở thành phố hay dưới Hà Nội, chị em đều được tạo điều kiện cho đi xa cả tuần mà không gây khó dễ" bà Mai chia sẻ.
Vượt qua những dào cản đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Mông để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, chị Sùng Thị Pà, một trong những hội viên của HTX cho biết: "Đã là phụ nữ Mông thì ai cũng phải biết dệt vải lanh, thổ cẩm. Bản thân tôi đã biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi, nhưng cũng chỉ là tự làm những bộ quần áo cho các thành viên trong gia đình. Trước kia, người người trong thôn vẫn bảo chỉ trồng ít cây lanh để làm vải, còn lại phải trồng ngô, trồng sắn. Nhưng từ ngày có HTX Hợp Tiến, chúng tôi tin tưởng bà Mai, lại thấy làm được ra tiền nữa, nên chồng mình cho trồng lanh rồi. Khi có hội chợ ở xa, chồng mình cũng đi cùng để phụ giúp vợ bán hàng. Hiện, gia đình mình có thu nhập rất ổn định trên 10 triệu đồng/tháng".
Với những đóng góp đó, năm 2017, nghệ nhân Vàng Thị Mai được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 gương mặt phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Bà cũng là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu vừa được biểu dương tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc năm 2022.
Bà Vàng Thị Mai hành trình trên con đường “kết nối với thế giới bằng sợi lanh” đây có lẽ là nguồn động lực, là niềm tin, là khát khao cho các phụ nữ là người DTTS vùng cao muốn thay đổi bản thân. Nhiều phụ nữ DTTS ngày càng tự tin, khẳng định vị thế của mình trong xã hội, họ như những bông hoa của núi rừng đang tỏa hương, vươn lên và truyền đi những thông điệp ý nghĩa, những giá trị tốt đẹp về cuộc sống.