Một bữa tiệc các nét văn hóa độc đáo trong vùng được phô diễn, nổi bật là các trích đoạn lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người bản địa với sự tham gia của 500 nghệ nhân và người dân. Họ tham gia hoàn toàn tự nguyện trên tinh thần giới thiệu bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, bản làng mình.
Ngày hội văn hóa dân tộc Tày xã Đại Phác vừa qua cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày như hát then, đàn tính, khắp Tày, múa dân tộc Tày, múa sạp; các môn thể thao dân tộc... Chính quyền địa phương xác định đây là dịp để phục dựng, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Tày.
Việc trao truyền thông qua các hoạt động cộng đồng là một trong những phương thức gìn giữ di sản hiệu quả nhất hiện nay. Các địa phương trong tỉnh đều định kỳ tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, các chương trình giao lưu giới thiệu, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS.
Những lớp truyền dạy van hóa dân gian được tổ chức thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, các trường học đã đưa giáo dục văn hóa địa phương vào giảng dạy, nhiều trường tổ chức được các câu lạc bộ gìn giữ di sản.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa đã góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo các dân tộc, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp, 574 di sản văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn gìn giữ di sản đã và đang được cộng đồng nhân dân, chính quyền Yên Bái hết sức coi trọng. Việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến, quyền lợi của cộng đồng nắm giữ di sản, cùng nhiều chính sách của tỉnh đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, cộng đồng dân cư đều nhận thức rõ trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản gắn với quyền lợi được thụ hưởng các giá trị di sản mang lại. Điều đó góp phần đưa thương hiệu du lịch Yên Bái ngày càng bay xa.