Xã Đắk Drông có 19 thôn, buôn với hơn 15.000 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp chiếm 85% dân số. Nhiều năm sinh sống trên quê hương mới, bên cạnh việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, người dân trên địa bàn rất quan tâm bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của bà con dân tộc Tày, Nùng, nhất là việc bảo tồn, phát huy giá trị hát then, đàn tính trong đời sống sinh hoạt. Trên địa bàn cũng đã thành lập được Câu lạc bộ (CLB) đàn tính hát then.
Nghệ nhân Ưu tú Đàm Văn Cổng - Chủ nhiệm CLB đàn tính hát then thôn 9, xã Đắk Drông cho biết: Ban đầu thôn có 4 người yêu thích đàn tính hát then, hợp lại hát cho nhau nghe để đỡ nhớ quê. Bây giờ chúng tôi đã thành lập được CLB đàn tính, hét then với 20 thành viên tham gia. Để phục vụ cho niềm đam mê, các thành viên trong CLB tự bỏ tiền mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Vào những ngày cuối tuần, các cô, các bà lại tập hợp cùng nhau tập luyện, biểu diễn những làn điệu hát then cổ để vừa thỏa mãn đam mê, vừa gìn giữ nghệ thuật văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tham gia CLB, các thành viên không chỉ sưu tầm, biên soạn các bài hát then quen thuộc mà còn sáng tác, đặt lời cho những làn điệu then ca ngợi tình yêu lao động, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi vùng đất Tây Nguyên nói chung và, Đắk Drông nói riêng. Vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, cũng như của địa phương… CLB lại tổ chức biểu diễn những tiết mục đàn tính, làn điệu then phục vụ bà con địa phương.
Để bảo tồn và phát huy thể loại nhạc truyền thống này, các thành viên còn tích cực chỉ dạy cho thế hệ trẻ. Mặc dù các em học sinh còn nhỏ tuổi chưa hiểu sâu sắc về nghệ thuật đàn tính, hát then của dân tộc, nhưng nhiệt huyết của các nghệ nhân đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhờ đó mà hiện đã có nhiều em biết đàn tính, hát then.
Ông Ngô Bá Gôn - Chủ tịch UBND xã Đắk Drông chia sẻ: HIện nay, trên địa bàn xã Đắk Drông có khoảng hơn 30 người biết hát then, đánh đàn tính và còn lưu giữ được nhiều bài then cổ. Để bảo tồn và khai thác được giá trị di sản văn hóa đặc sắc này, địa phương đang xây dựng Đề án giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã, trong đó có nghệ thuật đàn tính hát then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.