Tiềm năng lớn
Bắc Giang có vùng chuyên canh trái cây tập trung ở 2 huyện Lục Ngạn và Lục Nam cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống, làng quan họ cổ với nét văn hóa riêng và các danh thắng, hồ đập, rừng nguyên sinh…
Về ẩm thực, Bắc Giang có nhiều đặc sản như: Vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân, xôi trứng kiến Sơn Động… hấp dẫn du khách, rất thuận lợi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch thiên nhiên - nông nghiệp sinh thái - văn hóa cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 11 khu, điểm du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch, gồm: Chùa Bổ Đà, điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm, điểm du lịch Sân Golf dịch vụ (Yên Dũng); Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, Điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) bản Ven (Yên Thế); Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam); di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang (Tp. Bắc Giang); cụm di tích cây dã hương, đình, đền chùa xã Tiên Lục (Lạng Giang); Điểm du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc, huyện Lục Ngạn...
Giai đoạn 2016 - 2020, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế thành lập hơn 10 Hợp tác xã (HTX) có hoạt động du lịch và 3 điểm DLCĐ. Cụ thể như Sơn Động xây dựng điểm DLCĐ tại thôn Nà Ó, xã An Lạc với 7 hộ tham gia. Tại Lục Ngạn vào mùa vải thiều, cam, bưởi, nhiều HTX, nhà vườn ở các xã: Thanh Hải, Tân Sơn, Quý Sơn liên kết với doanh nghiệp (DN) lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đưa hàng nghìn lượt du khách về trải nghiệm.
Tại Yên Thế, HTX Thân Trường xây dựng điểm DLCĐ bản Ven, xã Xuân Lương với hơn 20 hộ thành viên. Bà Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX cho biết, HTX đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng 7 nhà sàn cộng đồng, 3 khu chức năng, vườn và xưởng sản xuất chè cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Hiện HTX có thể đón 1.500 khách/ngày (phục vụ ăn trưa) và 500 khách lưu trú qua đêm.
Theo ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động DLCĐ bước đầu đã đem lại thu nhập cho các HTX và người dân địa phương. Dù vậy, DLCĐ của Bắc Giang vẫn mang tính tự phát, chưa bền vững. Lý do là chưa có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực đúng mức của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân nơi có khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, các HTX, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch thiếu liên kết, chưa phát huy được những kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động sau khi được tập huấn, học tập mô hình DLCĐ tại tỉnh bạn.
Định hướng, mục tiêu và giải pháp
Để loại hình DLCĐ của Bắc Giang phát triển bền vững, hiệu quả, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển DLCĐ tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, với những định hướng, mục tiêu, giải pháp, quảng bá theo từng giai đoạn và mức hỗ trợ cụ thể cho 35 điểm thuộc các mô hình phát triển DLCĐ. Tổng kinh phí thực hiện hơn 150 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và các HTX.
Mục tiêu Đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, thu hút khách du lịch. Xây dựng thương hiệu DLCĐ thông qua hình thành và phát triển các điểm DLCĐ. Phát triển DLCĐ trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các loại hình du lịch khác tại tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, công nhận các khu, điểm DLCĐ với các sản phẩm du lịch đặc thù. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 2 mô hình du lịch thí điểm tại huyện Lục Ngạn, tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ hiện có. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 2 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 1 triệu lượt người, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, tổng số lao động trực tiếp đạt trên 2.000 người.
Đến năm 2030, tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm DLCĐ tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động; tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ khác, đặc biệt là 20 điểm DLCĐ vùng cây ăn quả Lục Ngạn. Chỉ tiêu khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm (nếu kiểm soát được Covid-19). Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người. Phấn đấu đến hết năm 2030 các điểm DLCĐ và thăm quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10.000 khách quốc tế.