Thời gian qua, tuổi trẻ các tỉnh trong cụm (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) đã xây dựng được một số mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả. Du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững, không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Để hút du khách và tăng lợi ích của loại hình này, các chuyên gia cho rằng các đơn vị cần khảo sát, xác định được lợi thế về điều kiện, đặc điểm tự nhiên, nét văn hóa, giao thông của địa phương, phân tích giá trị văn hóa bản địa nhằm tạo được sản phẩm riêng biệt; tích cực học hỏi, vận dụng phù hợp tại địa bàn…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số và việc liên kết, kết nối trong thực hiện khởi nghiệp, phát triển du lịch. Đồng thời gợi mở tổ chức đoàn thanh niên các tỉnh cần phối hợp với các cấp chính quyền giải quyết vướng mắc về mặt bằng thực hiện dự án du lịch; kết nối hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các chủ mô hình trong bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, du khách và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác du lịch.
Phát biểu tại Tọa đàm "Liên kết khởi nghiệp của thanh niên với phát triển du lịch cộng đồng" - một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình Liên hoan, ông Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang khẳng định những ý kiến tham luận, chia sẻ, gợi mở trong chương trình Tọa đàm rất bổ ích; là dịp để các bạn trẻ các tỉnh trong cụm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và tăng cường kết nối, từ đó dần hình thành nên hệ sinh thái du lịch trong khu vực các tỉnh lân cận; tạo động lực, nguồn cảm hứng để mỗi thanh niên phát triển tư duy sáng tạo trong lập thân, lập nghiệp.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các Tỉnh đoàn: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, ký kết Quy chế phối hợp hoạt động của Cụm Trung du Bắc Bộ giai đoạn 2023 - 2027.