Sau khi nhận được đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San đối với bà Lý Thị Yên, nhiều cơ quan chức năng của huyện Mường Tè đã được giao xác minh, làm rõ. Và sau đó, dù sai phạm được xác định là rất nghiêm trọng, nhưng qua nhiều vòng “sơ tuyển” kết quả xác minh, lãnh đạo huyện Mường Tè đã quyết định ban hành hình thức kỷ luật đối với bà Yên khá nhẹ nhàng, với lý do “đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại”!.
Vào cuộc rất… quyết liệt!
Trong Đơn tố cáo gửi Báo Dân tộc và Phát triển, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San đã nêu rõ các sai phạm nghiêm trọng của bà Lý Thị Yên – Hiệu trưởng nhà trường như: Không công khai tài chính, không công khai tiền ăn bán trú hỗ trợ học sinh năm học 2019 – 2020; sai phạm trong chi trả tiền cho học sinh theo Nghị định 57/2017 ngày 9/5/2017 của Chính phủ về chính sách ưu tiên hỗ trợ tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người; sai phạm trong thu chi tiền bán trú năm học 2019 – 2020;…
Ngoài sai phạm về tài chính, thì theo đơn tố cáo, bà Lý Thị Yên còn sai phạm trong quản lý, chỉ đạo điều hành công tác chuyên môn. Trong điều hành hoạt động nhà trường, bà Lý Thị Yên còn thể hiện chuyên quyền, độc đoán; không cảm thông, chia sẻ với những người yếu thế…
Năm học 2020 – 2021, Trường Mầm non Vàng San có 254/260 em học sinh là người DTTS. Trong đó có 97 học sinh người Mảng, một trong 16 DTTS rất ít người của nước ta. Sai phạm của Hiệu trưởng chưa được xử lý dứt điểm đã ảnh hưởng đến công tác nuôi dạy học sinh của Trường.
Trong đơn, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San khẳng định, họ đã có đơn từ ngày 20/7/2020 gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Tè. Nhưng sau hơn 1 tháng không thấy Phòng GD&ĐT làm rõ vụ việc nên đến ngày 26/8/2020, tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường buộc phải gửi đơn trực tiếp cho Chủ tịch UBND huyện.
Để làm rõ nội dung tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San, từ ngày 1 đến ngày 4/3/2021, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã làm việc với các bên liên quan tại huyện Mường Tè. Quá trình xác minh đã khiến chúng tôi bất ngờ vì những điểm bất thường trong việc giải quyết đơn tố cáo của huyện.
Theo xác minh của phóng viên, ngày 27/8/2020 (tức là 1 ngày sau khi tập thể giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San gửi đơn tố cáo trực tiếp cho Chủ tịch UBND huyện), Thanh tra huyện Mường Tè đã được giao nhiệm vụ phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch kiểm tra, xác minh nội dung đơn. Nhưng người giao nhiệm vụ cho Đoàn liên ngành không phải là Chủ tịch UBND huyện, mà lại là Bí thư Huyện ủy huyện Mường Tè?!.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy, Đoàn liên ngành do ông Lý Lỳ Hừ - Chánh Thanh tra huyện làm Trưởng đoàn, đã tiến hành xác minh đơn tố cáo tại Trường Mầm non Vàng San. Theo Biên bản làm việc được xác lập ngày 1/9/2020, Đoàn liên ngành (Thanh tra và Kế hoạch – Tài chính) ghi nhận những nội dung tố cáo của tập thể đối với bà Lý Thị Yên là đúng sự thật.
Một điểm bất thường khác trong giải quyết đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San, là có sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ xác minh nội dung đơn. Tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ sau 1 ngày nhận được đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San (ngày 20/7/2020), Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-PGD&ĐT ngày 21/7/2020, thành lập Đoàn công tác để tiến hành các bước xác minh, làm rõ các nội dung tố cáo.
Nhưng mãi đến ngày 7/9/2020, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè mới vào Trường Mầm non Vàng San thông báo kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo. Kết quả xác minh của Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè tại Biên bản ngày 7/9/2020 cũng đã khẳng định, các nội dung tố cáo bà Lý Thị Yên là đúng sự thật.
Như vậy, trong cùng một lúc, đơn tố cáo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Vàng San được hai đoàn công tác của huyện vào cuộc xác minh. Kết quả xác minh của hai đoàn cũng đã “gặp nhau” ở việc khẳng định nội dung đơn tố cáo là đúng sự thật.
Xử lý… nửa vời!
Do bà Lý Thị Yên là Bí thư Chi bộ Trường Mầm non Vàng San nên sau đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Mường Tè được giao xử lý về mặt Đảng, trước khi chuyển UBND huyện xử lý về mặt chính quyền. Theo tìm hiểu của phóng viên, UBKT Huyện ủy Mường Tè đã nhận định, vi phạm của bà Lý Thị Yên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Trên cơ sở đó, ngày 23/11/2020, UBKT Huyện ủy Mường Tè đã ban hành quyết định kỷ luật bà Lý Thị Yên. Trong quyết định kỷ luật, UBKT Huyện ủy xác định: Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng San, bà Lý Thị Yên đã vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về việc không thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình về công tác cán bộ; thoái thác nhiệm vụ được giao; lạm quyền, cửa quyền, hách dịch trong giải quyết công việc; vi phạm các quy định về quản lý tài chính, công khai tài chính.
Vì vậy, UBKT Huyện ủy Mường Tè đã quyết định “Cách chức Bí thư Chi bộ” đối với bà Lý Thị Yên. Quyết định kỷ luật này của UBKT Huyện ủy Mường Tè căn cứ vào kết quả xác minh của các đoàn kiểm tra cũng như báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Chi bộ Trường Mầm non Vàng San, báo cáo của Đảng ủy xã Vàng San cũng như bản kiểm điểm của cá nhân bà Lý Thị Yên.
Theo nguyên tắc, việc xử lý kỷ luật đảng không thay thế về kỷ luật hành chính, được ghi rõ tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Và theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ thì trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng, thì hình thức xử lý kỷ luật hành chính phải đảm bảo ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.
Điều này đồng nghĩa, sau khi bà Lý Thị Yên bị thi hành kỷ luật đảng với hình thức “Cách chức Bí thư Chi bộ”, thì về mặt xử lý hành chính, UBND huyện Mường Tè cũng phải thi hành xử lý kỷ luật với mức thấp nhất là cách chức Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng San đối với bà Yên.
Đặc biệt, tại Khoản 6, Điều 2 của Quy định số 102-QĐ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu: “Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó, phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể”.
Chiếu theo quy định này, tính từ ngày 23/11/2020 (thời điểm UBKT Huyện ủy ban hành quyết định kỷ luật bà Yên), chậm nhất đến ngày 23/12/2020, UBKT Huyện ủy Mường Tè phải ra thông báo để UBND huyện Mường Tè thực hiện kỷ luật hành chính đối với bà Lý Thị Yên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng San.
Nhưng quá thời hạn nêu trên, việc xử lý kỷ luật hành chính đối với bà Lý Thị Yên vẫn không được thực hiện. Ngạc nhiên hơn, đến ngày 30/12/2020, UBKT Huyện ủy Mường Tè lại ban hành một quyết định kỷ luật khác đối với bà Lý Thị Yên; hình thức kỷ luật được chuyển từ “Cách chức Bí thư Chi bộ” xuống còn hình thức “Cảnh cáo”.
Trong quyết định kỷ luật ngày 23/11/2020, vi phạm của bà Lý Thị Yên đã được UBKT Huyện ủy Mường Tè nhận định là “rất nghiêm trọng”; nhưng đến quyết định kỷ luật ngày 30/12/2020 đã được UBKT Huyện ủy giảm nhẹ thành “nghiêm trọng”.
“Không đánh người chạy lại”?
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến UBKT Huyện ủy “giảm án” là do bà Lý Thị Yên khiếu nại. Để làm rõ vấn đề này, ngày 2/3/2021, tại Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Lý Thị Yên.
Trong cuộc trao đổi, bà Yên thừa nhận những thiếu sót (chứ không phải sai phạm) của mình trong quá trình điều hành hoạt động cả nhà trường; nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm quản lý (Bà Yên được bổ nhiệm từ chuyên viên Phòng GD&ĐT làm Hiệu trưởng Trường mầm non Vàng San, chưa kinh qua công tác quản lý tại cơ sở - Pv). Và cũng do chưa nắm rõ quy định nên khi UBKT Huyện ủy quyết định kỷ luật với hình thức “Cách chức Bí thư Chi bộ”, bà không có ý kiến!.
“Chỉ khi nắm được quy định tại Nghị định số 112/NĐ-CP, trong đó nêu bị cách chức về đảng thì cũng sẽ bị cách chức về chính quyền nên tôi mới khiếu nại trực tiếp đến Ủy ban Kiểm tra”, bà Yên cho biết.
Lý giải của bà Lý Thị Yên cũng là thông tin của ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy, ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy xác nhận với phóng viên tại buổi làm việc trong ngày 1/3/2021, tại trụ sở Huyện ủy. Tham gia buổi làm việc với phóng viên còn có ông Đao Văn Khánh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; ông Lù Thanh Xá, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, ông Tống Thanh Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT, ông Lý Lỳ Hừ, Chánh Thanh tra huyện.
Tại buổi làm việc, ông Lý Anh Hừ cũng như ông Trần Đức Hiển đều thừa nhận, những khuyết điểm, vi phạm của bà Lý Thị Yên. Nhưng cả hai ông đều cho rằng, việc xác định khuyết điểm, vi phạm của đảng viên cũng là nhằm giúp đảng viên sửa chữa sai lầm; việc kỷ luật phải dựa trên cái tình, cùng lúc cách chức Bí thư Chi bộ và cách chức Hiệu trưởng thì nặng quá.`
“Đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã khẳng định như vậy.
Đồng ý với quan điểm xử lý kỷ luật là phải dựa vào lý, vào tình, không ai đánh người chạy lại. Nhưng cái việc “chạy lại” của bà Yên để xem xét như là một tình tiết giảm nhẹ là không thỏa đáng.
Bởi lẽ, tình huống để bà Yên “chạy lại” là khi bà nắm được quy định tại Nghị định số 112/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ, nếu bị cách chức về đảng thì cũng sẽ bị cách chức về chính quyền. Trước khi chưa biết quy định này, dù đã bị kỷ luật đảng với hình thức “Cách chức Bí thư Chi bộ” bà Yên không có động thái gì; nhưng khi biết quy định của Nghị định 112-NĐ/CP, bà lại lên tiếng khiếu nại. Là một đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ, chẳng lẽ việc cách chức Hiệu trưởng lại quan trọng hơn việc bị cách chức Bí thư Chi bộ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc xử lý về mặt đảng đối với bà Lý Thị Yên “tiền hậu bất nhất” nên đến thời điểm này, UBND huyện Mường Tè cũng chưa thể đưa ra một hình thức kỷ luật hành chính nào khiến hoạt động của Trường Mầm non Vàng San luôn bị xáo trộn.
Từ đầu năm 2021, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vì vậy tiếp tục tố cáo lên UBND tỉnh và các sở ngành liên quan. Nhưng đến thời điểm này, việc xác minh nội dung đơn tố cáo của họ vẫn “bặt vô âm tín”. Thậm chí có thông tin cho rằng, sai phạm của bà Lý Thị Yên cũng như việc xử lý sai phạm đã có sự che đỡ từ cấp trên để giảm hình thức kỷ luật xuống?.
Vậy, sai phạm cụ thể của bà Lý Thị Yên - Hiệu trưởng Trường mầm non là như thế nào? Vì sao việc đánh giá mức độ sai phạm của UBKT Huyện ủy Mường Tè đối với sai phạm này từ chỗ "rất nghiêm trọng" lại được đưa xuống mức "nghiêm trọng"? Vì sao đến thời điểm này đã quá thời hạn xử lý theo quy định nhưng UBKT Tỉnh ủy Lai Châu - đơn vị được giao "thụ lý" sau khi tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường mầm non Vàng San tố cáo ra tỉnh, vẫn 'im hơi lặng tiếng"?.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ bóc tách vụ việc để trả lời những câu hỏi này trong kỳ báo tiếp theo.