Do đó, hiệu trưởng các trường phải “gồng mình” với công việc điều hành hoạt động của trường. Thực trạng này, không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bậc mầm non ở miền núi.
Huyện Tây Trà là huyện miền núi xa xôi, cách trở và có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện hiện có 10 trường MN, thì có đến 6 trường thiếu cán bộ quản lý nhiều năm liền. Đơn cử như Trường MN xã Trà Phong nằm ở trung tâm huyện Tây Trà là trường MN hạng 1, có 11 lớp, số lượng cháu theo học đông nhất huyện, với 216 cháu. Trường có đến 8 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ. Điểm xa nhất là điểm trường thôn Trà Na cách điểm trường chính tới 10km, đường sá đi lại khó khăn.
Theo quy định, trường có 1 hiệu trưởng và 2 phó Hiệu trưởng. Thế nhưng, 2 năm qua, chức danh phó hiệu trưởng luôn trong tình trạng biến động. Có thời điểm, trường “khuyết” cả 2 phó Hiệu trưởng vì được điều động sang các trường khác cũng đang thiếu chức danh hiệu trưởng. Đến tháng 1/2018, trường mới được bổ nhiệm 1 phó hiệu trưởng và vẫn còn thiếu 1 phó hiệu trưởng.
Trao đổi với chúng tôi, cô Đinh Thị Lệ Hiền, Hiệu trưởng Trường MN xã Trà Phong, cho biết: Việc thiếu cấp phó hỗ trợ khiến hiệu trưởng luôn trong tình trạng xoay như chong chóng với những công việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của 8 điểm trường… “Một người đảm trách nhiệm vụ của ba người thì có cố gắng đến mấy cũng khó có thể làm tốt mọi việc. Mỗi ngày chỉ điều hành, giám sát trực tiếp được hoạt động ở 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. 5 điểm trường còn lại, 1 tháng mới tổ chức dự giờ 1 lần, không thể thường xuyên đến từng lớp, kiểm tra thời gian đến lớp của giáo viên, quan sát các hoạt động dạy học của giáo viên, học sinh”, cô Hiền cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Duy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tây Trà, chia sẻ: Phó Hiệu trưởng là người phụ trách chuyên môn và các phong trào thi đua, việc thiếu cấp phó, Hiệu trưởng phải đảm nhiệm toàn bộ công việc nên hiệu quả dạy và học ở các trường này thấp hơn các trường khác là điều hiển nhiên”.
Không riêng huyện Tây Trà, ở huyện miền núi Sơn Tây tình trạng cũng tương tự. Cô Nguyễn Thị Kim Ý, Hiệu trưởng Trường MN Sơn Liên cho biết: Trường có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Tuy nhiên suốt 3 năm qua Trường MN Sơn Liên vẫn chưa có Phó Hiệu trưởng. Việc tổ chức học bán trú và các hoạt động dạy học ở các điểm trường rất nặng. Vì vậy, tình trạng thiếu cấp phó kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động chuyên môn ở các điểm trường. Hoạt động ở điểm lẻ phải nhờ đến cả sự giám sát của phụ huynh học sinh và trưởng thôn.
Ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, trăn trở: Việc thiếu cán bộ quản lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại các trường MN, nhưng lực bất tòng tâm. Việc tìm nguồn cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo của các điểm trường MN trên địa bàn các huyện miền núi vô cùng khó khăn, do hầu hết các giáo viên còn trẻ, thiếu các tiêu chuẩn theo quy định. Số giáo viên đủ chuẩn về trình độ và các điều kiện để quy hoạch, bổ nhiệm hầu hết là giáo viên nữ, từ đồng bằng lên đây công tác. Vậy nên dù có quy hoạch, bổ nhiệm thì vài năm sau số cán bộ này lại xin chuyển công tác. Chính vì thế, câu chuyện thiếu cán bộ quản lý bậc MN cứ tiếp diễn.
Còn theo ông Bùi Thế Giới, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các điểm trường MN có thể kéo dài 3 năm nữa mới có đủ nguồn cán bộ đủ chuẩn để bổ sung. Tuy vậy, nếu số giáo viên nằm trong quy hoạch lại tiếp tục xin chuyển công tác, thì tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ.
ĐẠT THÀNH NHÂN