Gia đình anh Tào Văn Pình ở bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, huyện Tam Đường có trên 1ha nương rẫy. Những năm trước đây, gia đình anh chỉ trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng chè. Nhờ được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, cây chè của gia đình anh phát triển rất tốt. Đến nay, mỗi lứa thu được trên 1 tấn chè búp tươi. Từ trồng chè, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ ngày có cây chè, cuộc sống của gia đình anh đã bước sang một trang mới.
Bản Bãi Trâu có 24 hộ, với 125 nhân khẩu, trong đó 100% dân số là đồng bào dân tộc Lự. Trước đây cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để tìm ra hướng phát triển kinh tế, năm 2017, xã Bản Hon đã tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng chè. Những năm đầu cho thấy, cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó Nhân dân bản Bãi Trâu đã tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao. Đến nay, tổng diện tích chè trên toàn bản là 12ha, năng suất chè búp tươi đạt 18 tấn/ha/năm. Nhờ việc liên doanh, liên kết với các công ty thu mua chè đã giúp bình ổn giá, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Tam Đường là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu. Những năm qua, để góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè. Sau nhiều năm bén rễ trên đất Tam Đường, cây chè đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương.
Sau gần 10 năm triển khai nghị quyết về phát triển cây chè tại huyện Tam Đường, đến nay, những nương đồi bỏ hoang đã được thay thế bằng những nương chè xanh bạt ngàn. Hiện toàn huyện có tổng diện tích 2.120,8 ha (diện tích chè kinh doanh 1.593,8 ha,) sản lượng thu hoạch chè búp tươi 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.425 tấn. Hiệu quả cây chè mang lại đã giúp Nhân dân trên địa bàn huyện có thêm động lực mở rộng diện tích chè.
Theo kế hoạch, năm 2023 huyện Tam Đường sẽ trồng mới 70 ha chè tập trung chủ yếu tại các xã: Khun Há, Sơn Bình, Thèn Sin, Nà Tăm... Để thực hiện tốt việc trồng chè, từ đầu năm 2023, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã rà soát quỹ đất để trồng chè. Từ đầu tháng 5/2023, các địa phương trong huyện cũng tích cực chỉ đạo bà con phát dọn thực bì, ban tầng làm đất. Với phương châm cấp phân và giống đến đâu đảm bảo trồng xong đến đó, không để diễn biến thời tiết ảnh hưởng đến tiến độ trồng chè cũng như chất lượng phân bón và cây giống. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng chè năm 2023.
Xã Bản Bo một trong những xã có diện tích trồng chè lớn tại huyện Tam Đường. Từ năm 2008 đến nay, xã đã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Bản Bo đã tập trung chỉ đạo Nhân dân đầu tư thâm canh, mở rộng vùng chè, trồng chè chất lượng cao với tổng diện tích 831,5ha, trong đó: chè kinh doanh 571ha, sản lượng ước đạt trên 4.500 tấn, từ trồng chè mỗi năm đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã từ 50 - 60 tỷ đồng.
Gia đình chị Phạm Thị Lý ở bản Hưng Phong, xã Bản Bo trồng hơn 2ha chè kim tuyên. Nhờ chú trọng vào việc chăm sóc và tuân thủ đúng các yêu cầu kĩ thuật từ việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tỉa tán, thu hoạch… mỗi lứa, gia đình chị thu được từ 5 - 6 tấn chè, giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, gia đình chị không hái chè bằng tay nữa mà sử dụng máy cắt chè mini để thu hoạch, không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức mà còn nâng cao năng suất. Chè hái đến đâu, công ty thu mua hết tới đó. Nhờ trồng chè, mỗi năm đem lại cho gia đình chị thu nhập từ 250 - 280 triệu đồng.
Cây chè không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè mà còn tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Những năm trước đây, gia đình anh Má A Dũng ở bản Nậm Phát, xã Bản Bo chỉ trồng lúa, trồng ngô nhưng năng suất thấp nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè.
Để có thêm nguồn thu nhập, sau khi thu hoạch xong diện tích chè của gia đình mình, anh Dũng đi cắt chè thuê cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn. Giá cắt thuê là 2.000 đồng/kg, nhờ cắt chè thuê cũng giúp anh có thêm nguồn thu nhập, trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Với hướng đi đúng đắn, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, làm thay đổi diện mạo huyện Tam Đường, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân, góp phần ổn định sinh kế cho đồng bào DTTS, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.