Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện và chiếm 29,52% dân tộc Mường trong toàn tỉnh.
Đồng bào Mường tại Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó nổi bật nghề truyền thống dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mường..
Theo các cụ già kể lại, nghề dệt thổ cẩm tại Tân Sơn được hình thành từ lâu đời, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường. Trước đây, con gái Mường khi lên bảy, lên tám đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi, mười ba mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi để dệt thành những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc phục vụ cho việc may chăn đệm chuẩn bị cho việc lấy chồng.
Con gái Mường khi đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn đó là chăn, màn, gối, đệm tự tay mình dệt nên. Theo tục lệ, với người Mường, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng. Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với sự du nhập của văn hoá hiện đại, ngày nay người con gái Mường khi đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do tự tay mình làm nữa mà có thể mang theo hàng mua từ chợ về. Bởi thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Tân Sơn đã có thời gian dài bị mai một.
Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường huyện Tân Sơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường.
Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719). Góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng và các cấp chính quyền về giá trị của văn hóa phi vật thể truyền thống, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Lớp truyền dạy được tổ chức tại hai xã Kim Thượng và Xuân Đài, huyện Tân Sơn do các nghệ nhân cao niên người Mường người trực tiếp truyền dạy.
Là một trong những nghệ nhân cao niên tham gia lớp truyền dạy, bà Sa Thị Tâm, xã Kim Thương cho biết: Mong muốn của những nghệ nhân đi trước như bà là khôi phục nghề dệt truyền thống và lưu truyền mãi tại địa phương, nhất là các thế hệ sau. Các chị em tham gia lớp học sau này cũng trở thành nghệ nhân để dạy cho các thế hệ tiếp theo.
Với sự vào cuộc kịp thời, đến nay số lượng người biết làm nghề thông qua lớp truyền dạy nghề đã tăng lên đáng kể. Nhiều học viên sau khi biết và hiểu về nghề càng thêm gắn bó với nét văn hoá truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Chị Hà Thị Thơm, xã Kim Thượng, học viên tham gia lớp truyền dạy chia sẻ: “Lúc đầu tham gia lớp học mình rất bỡ ngỡ, ngồi vào khung dệt còn không biết ngồi như thế nào cho đúng. Từ buổi học thứ 2, thứ 3, mình bắt đầu biết se chỉ, biết luồn thoi, đến bây giờ mình đã biết dệt hình quả trám, hình hoa hồi”.
Bà Nguyễn Thị Phương Hà, Phó Trưởng phòng Di sản Văn hoá, Sở VHTT&DL Phú Thọ cho biết: “Thông qua các lớp truyền dạy, 100% học viên của 2 xã đã có thể thực hiện kỹ năng dệt và tất cả kỹ năng trong quá trình để làm lên sản phẩm nghề dệt thổ cẩm. Chúng tôi hy vọng sẽ truyền một nguồn cảm hứng cho bà con để bà con giữ gìn bản sắc dân tộc và nghề dệt truyền thống của mình”.
Ông Trần Văn Giang, Trưởng phòng VHTT huyện Tân Sơn cho biết: "Để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc Mường, UBND huyện Tân Sơn đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đến công chúng".
Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp từ tỉnh, huyện, xã tại Phú Thọ cũng tham gia tích cực để bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại huyện Tân Sơn thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ và con em của họ.
Vốn là nghề truyền thống nên sản phẩm mà người phụ nữ Mường Tân Sơn làm ra có đặc trưng riêng. Chính vì thế, việc bảo tồn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm còn tạo nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Mường tại Tân Sơn, góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống, tạo điểm nhấn phát triển du lịch cho vùng đất Tổ.
Với sự hỗ trợ thiết thực từ Trung ương thông qua Chương trình MTQG 1719, phong trào học nghề dệt thổ cẩm truyền thống được phát triển đã khơi dậy tinh thần tự hào, ý thức bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống trong cộng đồng người Mường tại huyện Tân Sơn. Thế hệ đồng bào dân tộc Mường hôm nay đã và đang nỗ lực để cùng các cấp, các ngành lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt văn hoá quý giá lâu đời của dân tộc mình, từ đó tạo ra bức tranh nghệ thuật nhiều màu sắc tại tỉnh Phú Thọ.