Từ việc triển khai thực hiện các chương trình dự án chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách đặc thù của Nhà nước, của tỉnh nhằm phát triển dân tộc dân tộc Rơ Măm, cuộc sống của người Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, đã và đang từng bước được cải thiện rõ rệt.
Hiện nay, các hộ gia đình người dân tộc Rơ Măm đã không còn bị đói, rét, bệnh tật; nhiều gia đình đã có ti vi để xem, có đài thu thanh để nghe tin tức, có điện thoại để kết nối thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại, thậm chí có hộ còn mua được xe công nông, xe ô tô tải để phục vụ sản xuất, vươn lên làm giàu. Tất cả con em người Rơ Măm hiện đã được đi học, được cấp sách vở, được phát thẻ bảo hiểm y tế; nhiều cháu đã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học…
Khi đời sống vật chất, tinh thần của người Rơ Măm được cải thiện, những già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Rơ Măm đã bắt đầu có điều kiện để bảo tồn, khai thác lợi thế, bản sắc văn hóa, ngành nghề truyền thống phục vụ nhu cầu cuộc sống và tăng thu nhập.
Dưới mái nhà rông, tiếng khung cửi lách cách đang vang đều hòa cùng tiếng nói cười rôm rả của chị em phụ nữ Rơ Măm ở làng Le. Ở đây, mỗi khi rảnh rỗi, chị em lại tập trung cùng nhau dệt thổ cẩm và chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.
Là người có thâm niên và bàn tay điệu nghệ trong nghề dệt thổ cẩm, bà Y Điết cho hay: Nghề dệt của người dân tộc Rơ Măm ở làng Le vốn có từ lâu đời và có những nét riêng, độc đáo. Trước kia, bà con hái bông gòn về xe thành chỉ, sau đó dệt thành tấm vải chỉ mộc màu trắng, may thành váy và khố, chủ yếu là để dùng trong gia đình. HIện nay, các hộ đã cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt để trao đổi hàng hóa và bán kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, già A Ren, 68 tuổi, làng Le, đã có gần 40 năm trong nghề tạc tượng. Từ bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm tượng nhà mồ đặc sắc, tạo nên nét riêng biệt của buôn làng Tây Nguyên.
Theo già A Ren kể, ngày xưa, cha A Ren là một người thợ điêu khắc tượng gỗ có tiếng trong làng. Ngay từ nhỏ, tôi đã theo chân cha đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm về nghề đục tượng nhà mồ. Lúc cha mất, thì tôi đã đủ cứng cáp để đảm đương trách nhiệm dân làng giao phó. Ngày trước, trong làng luôn có một người bạn cũng biết tạc tượng nhà mồ. Sau khi người đồng nghiệp qua đời, trong làng còn duy nhất mình tôi hành nghề.
Theo già A Ren, muốn làm được một tượng gỗ, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng 3 ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Dùng búa và dao phải vẽ nên được những đường nét mặt trang nghiêm, biểu cảm cho các pho tượng gỗ. Đây được coi như những vị thần sẽ bảo vệ cho những người đã khuất trong gia đình. Mỗi nhà mồ ít nhất phải có 4 pho tượng đứng ở 4 góc và 2 tượng bảo vệ cửa nhà mồ.
Già A Ren chia sẻ, vì cuộc sống mưu sinh, bà con mải làm ăn, bám chặt nương rẫy để lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày nên chẳng ai nghĩ đến tạc tượng, hay cả cái nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Vì vậy, trong cộng đồng, không phải ai cũng làm được."Già vẫn theo đuổi công việc này, là cũng muốn giữ lại bản sắc của dân tộc và cũng có thêm thu nhập "
Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, năm 2017, tỉnh Kon Tum đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Đề án đặt ra với các mục tiêu: Bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của 5 nghề truyền thống đang dần bị mai một như: nghề rèn, chế tác nỏ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm; bảo tồn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Rơ Măm đang có nguy cơ bị thất truyền; tạo việc làm cho lao động vùng DTTS, góp phần nâng thu nhập cho lao động làm nghề truyền thống vùng DTTS...
Thực hiện Đề án này, tỉnh Kon Tum đã xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại TP. Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 350 bộ khung dệt cho các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh; mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng…
Riêng địa bàn huyện Sa Thầy, giai đoạn 2017 - 2021, đã hỗ trợ 68 bộ khung dệt; xây dựng 3 băng đĩa về quy trình sản xuất nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm nghề đan lát, nghề đẽo thuyền độc mộc; tổ chức 2 lớp học nghề dệt thổ cẩm cho người dân ở làng Le và tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền bảo tồn nghề truyền thống tại xã, thị trấn.
Trên địa bàn hiện có gần 1.200 hộ gia đình, nghệ nhân còn duy trì nghề truyền thống, trong đó, có một số nghề như đan lát, dệt thổ cẩm... mang lại nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân.
Chị Y Bủi lang Le chia sẻ, trang phục là một trong những hình thức thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, chị vận động chị em phụ nữ trong làng học nghề và truyền nghề, phấn đấu để ngày càng có nhiều hơn chị em phụ nữ biết dệt thổ cẩm và sử dụng sản phẩm làm ra để may trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình mình; hoặc bán để có thêm thu nhập cho gia đình. "Hy vọng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức giữ nghề truyền thống của phụ nữ, thổ cẩm của đồng bào Rơ Măm sẽ luôn được duy trì và phát triển trở thành hàng hóa trên thị trường".
Theo thống kê, tại làng Le, đồng bào Rơ Măm đã lưu giữ được 34 bộ cồng - chiêng quý; duy trì được hệ thống lệ hội như “Thổi tai”, “Ma chay”, “Bỏ mả”, “Phát rẫy”, “Trỉa lúa”, “Mở kho lúa”, “Mừng lúa mới”, “Mùng nhà rông mới”… Đã lưu giữ và phát huy được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng - chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi…
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Kon Tum, đặc biệt là chính sách đầu tư hỗ trợ đối với các DTTS rất ít người, nên đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai đã được nâng lên vượt bậc. Đặc biệt, từ việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, tại làng Le đã lưu giữ và phát triển được các nghề truyền thống như đan lát nông cụ, vạt dụng sinh hoạt, dệt vải thổ cẩm…
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề ra những giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện chính sách đầu tư tốt hơn, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đồng thời, tích hợp vào Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhằm tiếp thêm nguồn lực giúp đồng bào DTTS bảo tồn, phát huy nghề truyền thống bền vững, cũng như rút ngắn khoảng cách phát triển của người Rơ Măm với các dân tộc khác trên địa bàn ”, ông Đinh Quốc Tuấn cho biết.