Quyết tâm tạo thu nhập từ nghề dệt
Vài năm trở lại đây, dưới mái nhà sàn truyền thống ở buôn Hra Ea Hning, xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin, ngày ngày các bà, các mẹ trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Hra Ea Hning miệt mài bên khung dệt, tỉ mỉ luồn từng sợi chỉ, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt, đáp ứng cho những đơn đặt hàng của người tiêu dùng và khách du lịch.
Bà H’Neo Bdap, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hra Ea Hning cho biết: Ngày xưa, hầu phụ nữ trong buôn đều biết dệt vải. Khi sản phẩm hoàn thành, mọi người lại rủ nhau đi bộ, đạp xe đạp mang hàng đến các buôn xa hơn để bán, trao đổi hàng hóa. Sau này, nhiều sản phẩm tiện ích, giá rẻ xuất hiện trên thị trường, trong khi việc dệt vải thủ công mất rất nhiều thời gian, nên chị em không thể dựa vào nghề để sống, mà chỉ làm tranh thủ dệt lúc nông nhàn chủ yếu để sử dụng là chính, còn thời gian vẫn tập trung trên nương rẫy.
Canh cánh nỗi lòng mai một nghề truyền thống, bởi không ít chị em gác khung cửi lo cuộc sống mưu sinh, năm 2021 bà H’Neo tập hợp những người dệt giỏi và thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các chị đã tìm đến một nhà may lớn ở xã Ea Krur (huyện Cư Kuin) chuyên thiết kế trang phục từ thổ cẩm, vừa vận động, vừa đặt vấn đề liên kết dệt thổ cẩm với họ. Nhờ đó, sản phẩm có đầu ra ổn định, đã giúp mỗi thành viên trong tổ có thu nhập khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, bớt đi phần nào gánh nặng kinh tế gia đình.
Miệt mài bên khung cửi đặt tại nhà văn hóa cộng đồng buôn, bà H’Rưm Hmok (SN 1957) chia sẻ: Bản thân bà biết dệt thổ cẩm từ khicòn nhỏ, nhưng sau này sản phẩm dệt ra không biết bán cho ai. Trong khi đó, gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chồng bị tai nạn và không thể lao động được nên 6 năm nay gánh nặng kinh tế đều dồn lên đôi vai của bà. “Hai năm nay, tôi tham gia tổ hợp tác, vừa lo chăm sóc chồng, con, tôi giành nhiều thời gian để dệt thổ cẩm, trung bình mỗi tháng tôi có hơn 3 triệu đồng từ việc dệt để trang trải cuộcsống”.
Hay như Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột , trải qua hành trình 20 năm thành lập, từ 10 thành viên, đến nay Hợp tác xã đã có 45 thành viên có việc làm, thu nhập ổn định, nhờ đó hàng chục hộ từng bước thoát nghèo. Như gia đình bà H’Tuyết Êban ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao.
Gia đình bà thuộc diện khó khăn, chỉ có vài sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, bà phải đi làm thuê trang trải cuộc sống. Tham gia học nghề dệt thổ cẩm, rồi gắn bó với Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông từ những ngày đầu thành lập, đến nay gia đình bà đã có cuộc sống ổn định hơn.
Bà H’Tuyết chia sẻ: Ngày nhỏ tôi được mẹ dạy dệt thổ cẩm và rất thích. Nhưng lớn lên cuộc sống gia đình khó khăn, sản phẩm thổ cẩm cũng chủ yếu để phục vụ gia đình chứ không bán được nên tôi đã có ý định từ bỏ. May mắn khi được tham gia Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, tôi như được sống lại với nghề. Để có thêm thu nhập, tôi còn học thêm nghề may, ban ngày thì đứng may, tối đến dệt thổ cẩm. Biết may, biết dệt, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa góp chút công cùng chị em giữ nghề cha ông để lại.
Đưa thổ cẩm vươn xa
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hàng chục hợp tác xã, tổ hợp tác dệt thổ cẩm, ủ rượu cần. Các hợp tác xã, tổ hợp tác không những bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ DTTS.
Đặc biệt, đứng trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm, những người con ở các buôn làng đã linh hoạt, sáng tạo, nắm bắt thời cơ thông qua việc đa dạng các sản phẩm để đáp ứng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Tiêu biểu phải kể đến chị H’Ler Êban, với quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, năm 2018, trên cơ sở kinh nghiệm may mặc của bản thân, chị mạnh dạn dùng tất cả nguồn thu nhập của gia đình để thành lập nhà may Amí Sia.
Từ đây, chị đã tập hợp nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm dệt may trên địa bàn tỉnh dệt thổ cẩm để bán cho mình. Sau khi các nghệ nhân hoàn thành dệt, chị H’Ler đã mang về và tự tay thiết kế, cắt may các mẫu trang phục cách tân với phương châm “hiện đại hóa, hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Để khắc phục điểm yếu thô ráp, không thoải mái của trang phục thổ cẩm trước đây, chị H’Ler đã tìm chất vải thun gân ngang phối với các hoa văn, họa tiết được dệt thủ công để thiết kế trang phục.
Khi giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, chị H’Ler vô cùng ngạc nhiên, bởi không chỉ người Ê Đê, mà còn có rất nhiều người Kinh và các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, độ tuổi khác nhau cũng rất thích thú, đặt mua các sản phẩm trang phục thổ cẩm của chị.
Đặc biệt, thời gian qua, không chỉ khách hàng trong nước mà nhiều Việt kiều ở nước ngoài cũng đặt mua sản phẩm. Theo tính toán, trung bình mỗi năm, nhà may của Amí Sia đã bán ra trên 500 sản phẩm trang phục thổ cẩm cho khách hàng trong nước và bà con Việt kiều ở Mỹ, Úc, Canada, Phần Lan. Đồng thời, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 thợ may và 10 nghệ nhân dệt, với mức thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/tháng.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, với sự linh hoạt, sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống ở các buôn làng vùng đồng bào DTTS, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa các DTTS mà còn nằm trong chiến lược bảo tồn phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
"Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng nhiều nội dung, kế hoạch đầu tư, hỗ trợ các địa phương, các nghệ nhân... bảo tồn, phát huy nghề truyền thống gắn với việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc", bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu thông tin.