Hãy là người tiêu dùng thông thái
Chợ San Thàng, TP. Lai Châu, là một trong những chợ phiên nổi tiếng ở vùng núi phía Bắc, luôn đón một lượng khách rất lớn. Phiên chợ là nơi để người dân buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho các mặt hàng giả, hàng nhái có thể xâm nhập vào chợ một cách dễ dàng. Vì thế, người tiêu dùng cần phải thông thái để không bị lợi dụng.
Là người thường xuyên mua hàng ở chợ phiên San Thàng, cũng từng được nghe những thông tin tuyên truyền về việc cảnh giác với hàng giả, hàng nhái, chị Vũ Thị Kim Ngân, sinh sống ngay tại TP. Lai Châu chia sẻ, khi mua sản phẩm ở chợ, chị thường kiểm tra rất kỹ sản phẩm. "Nếu phát hiện, hay nghi ngờ hàng hàng giả, hàng kém chất lượng, tôi sẽ báo với ban quản lý chợ để xử lý theo quy định”, chị Ngân cho biết.
Được biết, để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND thành phố Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền xã tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cũng giống với chợ đêm San Thành, tại các điểm du lịch ở Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, tình trạng hoa quả đào, lê, mận của Trung Quốc đang đội lốt, "gắn nhãn" mận tím Tả Van, mận Tả Lý được bày bán rất nhiều. Hay tại các bãi dừng đỗ xe, các loại nông sản: Rau mầm đá, su su quả, ngọn su su, củ cải đỏ… được người bán quảng cáo là trồng ở Sa Pa, nhưng thực chất, chỉ có quả su su là "chính hiệu", còn các loại khác bị trà trộn, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo chia sẻ của chị Giàng Thị Mai, một người bán hàng tại Sa Pa gần 10 năm, muốn mua đúng nông sản của bà con ở đây, người mua nên để ý đến thời điểm mùa vụ. Ví dụ như ở Sa Pa, quả lê của đồng bào trồng sẽ nhỏ, có mùi thơm đặc trưng, chỉ cho thu hoạch trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 7 đến giữa tháng 8; Quả đào bản địa Sa Pa, gồm có đào mèo mỏ quạ, đào Pháp chín sớm. Loại quả này chỉ có ở các xã Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải, Tả Phìn và hai phường Sa Pả, Ô Quý Hồ…
Có thể thấy, việc lựa chọn đúng các sản phẩm, dịch vụ “chính hãng” phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết, cẩn thận của người tiêu dùng khi mua hàng, hay sử dụng các dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, đồng hành cũng người tiêu dùng, Chính phủ đã phát động các phong trào, chương trình như: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hay Chương trình Mỗi xã một sản phẩm... để “lọc sạn” hàng giả, hàng nhái.
Cân bằng quyền lợi giữa cộng đồng và doanh nghiệp
Kilomet 109 là tên thương hiệu thời trang của nhà thiết kế Vũ Thảo- một thương hiệu thời trang chú trọng đến chất liệu truyền thống mang tính bản địa rõ nét, với sự phóng khoáng, mộc mạc như những con người và vùng đất ở vùng núi phía Bắc.
Chính sự khác lạ này, mà thương hiệu Kilomet 109 luôn có một chỗ đứng riêng cho mình trong làng thời trang Việt Nam. Vậy điều gì để Kilomet 109 phát triển bền vững suốt nhiều năm qua? Đó chính là sự cân bằng giữa doanh nghiệp và quyền lợi của cộng đồng.
Sau 10 năm gắn bó, kết hợp với cộng đồng người Mông đen ở Sa Pa (Lào Cai), người Mông xanh ở Pà Cò (Hòa Bình), người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), người Nùng (Cao Bằng), người Khmer (An Giang)… nhà thiết kế Vũ Thảo đã mang lại cho các cộng đồng nhiều cơ hội phát triển.
Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, khôi phục vùng trồng nguyên liệu hay cải tiến công cụ sản xuất để tăng năng suất, nhà thiết kế Vũ Thảo còn giúp cộng đồng ở đây có được cơ hội hợp tác xuyên biên giới.
Đó là sự hỗ trợ của quỹ Kết nối thông qua văn hóa (Connection through culture) của Hội đồng Anh, cộng đồng người Mông xanh ở Pà Cò, đã và đang hợp tác với một xưởng chế tác thủ công ở London (Anh) chuyên làm nến vải sáp để học hỏi cách làm và cho ra mắt dòng sản phẩm nến thơm, các loại vải sáp và ngược lại.
Cũng tạo ra được sự cân bằng quyền lợi cho cộng đồng, Khu nghỉ dưỡng cao cấp P'apiu Resort tọa lạc trên đỉnh núi ở xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã và đang cùng cộng đồng “nương tựa” vào nhau phát triển.
Là một khu nghỉ dưỡng cao cấp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chính các nhân viên ở đây đều là người dân tộc địa phương, với nét duyên dáng và lòng mến khách mới tạo nên sự khác biệt cho khu nghỉ dưỡng. Cùng với đó, con đường thổ cẩm dài nhất Việt Nam do người địa phương vẽ tay hoàn toàn thu hút sự quan tâm tìm hiểu và sự thích thú thưởng ngoạn của du khách.
Để hình ảnh DTTS không bị quá đà trong thương mại hóa, làm sai lệch giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng vốn có của đồng bào, ngoài giải pháp cảm nhận được qua câu chuyện nêu trên, thì cần thúc đẩy, hỗ trợ truyền thông sản phẩm có nguồn gốc từ các nhóm cộng đồng DTTS và chính bản thân cộng đồng DTTS cũng cần phải chủ động, quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị các sản phẩm truyền thống của mình, không chạy theo lợi nhuận tức thời...
PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam nhìn nhận, trên thực tế, việc lấy hình ảnh DTTS cho hoạt động thương mại, trước hết cũng là giúp quảng bá, lan tỏa những nét đẹp văn hóa cho chính cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đi quá giới hạn sẽ thành bóp méo giá trị, ảnh hưởng tới hình ảnh của đồng bào. Việc kinh doanh như thế sẽ giống như “treo đầu dê, bán thịt chó”.
PGS.TS Lê Ngọc Thắng cũng cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng này, phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như, sự thông thái của người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và cộng đồng; các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành cần có quy định, biện pháp xử lý cụ thể, nghiêm khắc hơn...