Từ khi nghỉ hưu, nhà thơ Nga Ri Vê lui về thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà để sống và làm việc. Tuy sức khỏe yếu nhưng bà luôn nhiệt tình với công việc sưu tầm, nghiên cứu, viết sách, giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Ca Dong (nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng), Co, Hrê…
Cuộc đời bà có nhiều kỷ niệm khó quên, đó là những năm tháng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà là học sinh người DTTS ở miền núi Quảng Ngãi được ra miền Bắc học tập. Thời đó, bà và các bạn học sinh miền Nam đã nhiều lần được gặp Bác Hồ và Bác Đồng (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đến thăm, động viên, học sinh miền Nam cố gắng học tập để ngày thống nhất đất nước sẽ trở về phục vụ quê hương.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, bà Nga Ri Vê là người đầu tiên tham gia xây dựng chương trình phát thanh tiếng Hrê trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi. Ba mươi năm trôi qua, bà vẫn luôn bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm một thời làm phát thanh viên của Đài tỉnh.
Ngôi nhà nhỏ của bà Nga Ri Vê ở thị trấn Di Lăng hôm nay đã chất đầy sách. Những đứa con tinh thần mang nặng dấu ấn về miền đất và con người miền núi Quảng Ngãi lần lượt ra đời. Bà như con ong cần mẫn đi khắp núi rừng miền Tây Quảng Ngãi sưu tầm những làn điệu dân ca, kể Moon, cách chế tác các nhạc cụ, trò chơi văn hóa dân gian và ngôn ngữ các DTTS để lưu lại cho đời sau.
Trong cuộc đời sưu tầm và sáng tác của mình, bà Nga Ri Vê đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc gần xa yêu thích như các tập thơ: “Tất cả cho anh”, “Plây em mùa xuân”, “Khát vọng”, “Hương cau”… Văn xuôi có tập Truyện và ký “Người kể Moon”, Văn nghệ dân gian có các tác phẩm “Văn hóa dân gian Ca Dong, Hrê, Co”; “Tri thức và văn hóa nghệ thuật dân gian Hrê”, “Truyện cổ Ca Dong”… Đáng chú ý, năm 1992, tập thơ “Đóa hoa rừng” của bà được Hội Nhà Văn Việt Nam tặng giải B.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, cuối năm 2019, bà cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Hương cau”. Đọc tập thơ của bà, tôi thấy hình bóng quê hương đất ngàn cau huyện vùng cao Sơn Tây như hiện ra trước mắt tôi. Núi, rừng, sông, suối, mây trời và người mẹ Ca Dong được bà khắc họa trong thơ khá rõ nét. Ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt tiếng Hrê và tiếng Ca Dong được bà sử dụng nhiều trong các bài thơ. Bà nói với tôi, đây là món quà bà xin kính tặng quê hương Sơn Tây, nơi bà sinh ra.
Những năm tháng tuổi tác đã sang chiều, sức khỏe đã yếu nhưng bà vẫn nhiệt tình, cần mẫn với công việc sưu tầm, biên dịch tiếng Hrê. Bà dành thời gian về các bản làng dạy tiếng Hrê cho bọn trẻ và lắng nghe, ghi chép những câu chuyện kể của các già làng, Người có uy tín. Bà cũng luôn dặn dò con, cháu dù đời sống khó khăn đến mấy cũng phải giữ gìn văn hóa, bởi văn hóa là cội nguồn, là linh hồn của mỗi dân tộc.