Gắn văn hóa DTTS để làm du lịch
Nếu là một "tín đồ" du lịch ưa trải nghiệm vùng miền núi, có lẽ bạn sẽ không khó để tìm cho mình một khu nghỉ dưỡng cao cấp giữa mênh mông núi rừng. Nơi đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS.
Tuy nhiên, đó là góc nhìn của khách du lịch. Còn với cộng đồng địa phương họ được hưởng lợi gì từ những khu nghỉ dưỡng sang, xịn đó? Hay chỉ đơn giản cộng đồng DTTS chỉ là hình ảnh mang tính đại diện để đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong một lần tình cờ tôi đọc được bài quảng cáo của khu nghỉ dưỡng tại vùng Cao nguyên Vân Hòa, tỉnh Phú Yên có nội dung “du khách sẽ được trải nghiệm, nghỉ dưỡng trong nhà sàn của người Ê Đê”. Qua tìm hiểu, được biết tại khu vực này không có người dân tộc Ê Đê sinh sống, đồng thời đội ngũ nhân viên phục vụ tại đây cũng không phải người Ê Đê.
Không những thế, theo văn hóa của người Ê Đê, ngôi nhà họ sinh hoạt hằng ngày không gọi là nhà sàn, mà gọi là nhà dài. Ngoài ra, hình ảnh ngôi nhà sàn Ê Đê theo bài quảng cáo tại khu nghỉ dưỡng Cao nguyên Vân Hòa có kết cấu khác với nhà dài của người Ê Đê. Vậy tại sao “nhà sàn người Ê Đê” lại trở thành từ khóa cho bài quảng cáo này.
Dẫu biết rằng, việc xây dựng một ngôi nhà giống theo ngôi nhà truyền thống của dân tộc nào đó, là quyền tự do của mỗi người. Thậm chí nó còn giúp quảng bá văn hóa của dân tộc đó. Tuy nhiên, đó là trường hợp xây nhà theo đúng nguyên bản của một ngôi nhà truyền thống. Còn trong trường hợp này, ngôi “nhà sàn Ê Đê” có thiết kế, cũng như tên gọi không đúng.
Vậy trong câu chuyện này, cộng đồng người Ê Đê họ được lợi gì, hay họ đang trở thành “lá bùa” giúp cho khu nghỉ dưỡng kia thêm phần hấp dẫn, thu hút. Và đó chính là lý do “nhà sàn Ê Đê” trở thành điểm nhấn cho khu nghỉ dưỡng.
Sản phẩm thổ cẩm đi liền với DTTS
Không sai nếu nhận định rằng, khi nhắc tới các sản phẩm thổ cẩm ở Việt Nam người ta thường liên tưởng với hình ảnh DTTS. Điều này, cũng đã vô tình “tiếp tay” cho những sản phẩm hàng thổ cẩm không rõ xuất xứ cũng đang được bán lẫn lộn với sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS.
Trên thị trường, hoặc các kênh truyền thông, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cụm từ như: Thổ cẩm Tây Bắc, Thổ cẩm DTTS, Thổ cẩm Tây Nguyên…; Hay, một số trang mạng xã hội dùng hình ảnh hoa văn dệt bằng máy, không rõ xuất xứ nhưng nội dung quảng cáo đánh lừa, hướng người tiêu dùng hiểu ngầm đó là sản phẩm thủ công của cộng đồng DTTS.
Còn trên thị trường thổ cẩm, cũng đã xuất hiện nhiều sản phẩm dệt may, một số sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng vẫn gắn nhãn là thổ cẩm DTTS để đánh lừa người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ các sản phẩm DTTS, hoặc có tinh thần giúp đỡ cộng đồng. Thực trạng này đang diễn ra rất phổ biến ở nước ta.
Đơn cử, hồi tháng 9/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã thu giữ 230 tấm vải thổ cẩm, có mẫu mã gần giống với các sản phẩm thổ cẩm thủ công của đồng bào. Tuy nhiên, chủ nhân của lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Thiết nghĩ, nếu lô hàng trên “qua mặt” được cơ quan chức năng, thì 230 tấm vải thổ cẩm kia sẽ được “gắn mắc” của một dân tộc nào đó để tiêu thụ.
Là một người yêu thích các sản phẩm thủ công, chị Trần Ngọc Thu, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Nhìn các sản phẩm như khăn, ví được làm từ vải thổ cẩm tôi nghĩ rằng, đó là các sản phẩm của người DTTS làm ra nên tôi rất thích. Thỉnh thoảng đi du lịch về vùng miền núi, mà thấy người dân bán những sản phẩm thủ công tôi thường mua về làm quà cho người thân”.
Cũng theo chị Thu, vì không phải là người “sành” về mặt hàng này, nên chị cũng khó phân biệt được sản phẩm nào được làm thủ công, sản phẩm nào không rõ xuất xứ.
Cùng với các sản phẩm thổ cẩm, thì ẩm thực cũng là một trong những “mồi nhử” để tăng thêm sự mới mẻ, hấp dẫn trong kinh doanh.
Đi vào các quán ăn, quán nhậu không khó để tìm thấy những món ăn như: nướng mọi, heo tộc, đặc sản người Mông, đặc sản người Thái…Rõ ràng khi đọc những món ăn đó, đều ẩn chứa hình ảnh DTTS. Sẽ không có gì để bàn, nếu đó chính là những món ăn được chế biến đúng.
Tuy nhiên, chúng ta ít khi đặt vấn đề, liệu mình đang thưởng thức một món ăn chính gốc của dân tộc nào đó làm hay không? Hay chỉ là hình ảnh mang tính thương mại?
Biểu hiện nhỏ, hậu quả lớn
Ngỡ rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng nếu nhìn rộng hơn khi doanh nghiệp, công ty, cửa hàng dùng hình ảnh DTTS để quảng bá sản phẩm không phải chính gốc từ cộng đồng DTTS, đánh lừa người tiêu dùng vì mục đích lợi nhuận, thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, ở các mặt hàng thủ công thổ cẩm: Nếu xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng không “thông thái”, sẽ tạo cho những “doanh nghiệp cơ hội” có thêm cơ hội lạm dụng lòng tin của người tiêu dùng để tăng lợi nhuận. Quan trọng hơn là, làm hàng giả, hàng nhái sẽ đe dọa trực tiếp đến các ngành nghề truyền thống khi sản phẩm bị ép giá, hoặc có thể “chết” khi nguồn tiêu thụ của khách hàng không đến được với cộng đồng.
Còn việc khai thác "thương mại hóa” hình ảnh DTTS trong du lịch cộng đồng, sẽ dẫn đến tình trạng hưởng lợi từ sự chênh lệch có thể từ do bán đất đổi chủ; hay việc không gian văn hóa, đời sống xã hội cộng đồng người DTTS bị đảo lộn...
Và hậu quả khôn lường khác nữa là, khi "thương mại hóa" hình ảnh DTTS, có thể tạo thêm những khung định kiến mới bởi tâm lý “thương hại”; hay hiểu sai về sản phẩm đối với nhóm cộng đồng DTTS.
Vậy làm thế nào để bảo vệ hình ảnh DTTS, trả lại đúng vị trị và giá trị của các sản phẩm có nguồn gốc từ chính cộng đồng DTTS trong xu hướng phát triển và hội nhập của xã hội?