Chiếc “váy hoa” trong bức Panorama
Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ mang giá trị lịch sử, mà còn là thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta; là nguồn tư liệu quý, góp phần bảo tồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Tác phẩm hội họa thuộc thể loại lịch sử lớn nhất Đông Nam Á, mang tầm cỡ thế giới có chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; phần đắp nổi 6m. Tổng diện tích bức tranh trên 3.200m2. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên.
Tuy nhiên tại trường đoạn “Toàn quân ra trận”, là hình ảnh trùng trùng điệp điệp những đoàn dân công trèo non, lội suối thồ hàng cung cấp lương thực cho tiền tuyến lại xuất hiện hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo cóm, mặc chiếc “váy hoa”, đầu đội khăn piêu mang dáng dấp người phụ nữ Thái, khiến cộng đồng, trong đó có nhiều người Thái tranh cãi với rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cộng đồng người Thái cho rằng, chiếc “váy hoa” trong bức Panorama không phải là trang phục dân tộc Thái, mà là sự lắp ghép trang phục của các dân tộc khác, thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn hóa Thái của tác giả của bức tranh.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến khẳng định, chiếc “váy hoa” ấy là của người Thái xưa kia. Tuy nhiên, đồng bào chỉ mặc trong các sự kiện quan trọng của bản mường. Trong gia đình thì chỉ có vợ các quý tộc Thái mới mặc.
Trong thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, thì chiếc váy này không còn được ai mặc nữa, và chỉ còn được một số gia đình dòng dõi quý tộc Thái giấu kỹ để sử dụng trong các buổi lễ cúng. Do vậy, họ cũng cho rằng, nếu đây là hình ảnh đại diện cho dân tộc Thái, thì phạm vào điều kiêng kỵ của người Thái, là không bao giờ mặc váy này ra ngoài và không phải ai cũng được mặc, hoặc nếu mặc thì chỉ mặc một lúc là cất đi thôi. Vì vậy chiếc váy Thái này không thể là hình ảnh đại điện cho trang phục của người phụ nữ Thái tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại đa số ý kiến đều cho rằng, với ý nghĩa tái hiện một phần lịch sử của bức tranh mà vẽ “chiếc váy hoa”, là không mang tính chất đại diện của cộng đồng dân tộc Thái và phi thực tế.
Tiếng nói từ cộng đồng mạng
Trên kênh YouTube của Đài truyền hình Điện Biên có đăng video “Điện Biên - Tọa đàm và trao đổi: Phát huy giá trị CT Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” ngày 17/9/2021.
Sau khi video được đăng tải, tính đến ngày 13/11/2021, tất cả các bình luận, trong đó chủ yếu là người Thái, đều lên tiếng phản ánh về hình ảnh cô gái Thái với chiếc áo cóm, khăn piêu, nhưng mặc chiếc “váy hoa” dễ gây hiểu nhầm là váy của dân tộc khác.
Tài khoản Bản Thái Tây Bắc cho rằng: “Bức tranh này không hiểu tác giả muốn nói điều gì. Hay tác giả không hiểu về trang phục dân tộc Thái. Áo cóm, gánh bung thường đi đôi với váy của người Thái. Ở đây hay ẩn ý gì bên trong tác phẩm?. Xin làm rõ hơn?”.
Một tài khoản có tên là Bac Hoang bức xúc: “Bức tranh "Toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ" có diện tích lớn nhất thế giới. Đúng là xứng tầm ý nghĩa của chiến dịch này. Nhưng đáng tiếc hình ảnh người phụ nữ gánh "bung" mặc áo cóm, đội khăn piêu kia lại mặc váy dân tộc Lự. Không biết ý tưởng của tác giả là gì. Nhưng hãy tôn trọng văn hóa dân tộc...”.
“Tranh rất đẹp mang tầm cỡ quốc tế, đáng ra cho điểm 10, nhưng nhìn kỹ thấy sai sai gì đó. Mọi người có thấy thế không ạ. Trang phục của cô gái Thái ở trên bức tranh là không phù hợp, không đúng với bản sắc văn hóa dân tộc Thái, nên cho điểm 6… Không biết tác giả là người ở đâu, mà trang phục căn bản của một dân tộc chiếm đa số ở Tây Bắc mà không biết. Xin các cơ quan chức năng hãy xem lại, để không gây nhầm lẫn trang phục của các dân tộc…”, tài khoản Vlog Tây Bắc nhận định.
Tại các Hội, nhóm của cộng đồng người Thái trên nền tảng mạng xã hội Facebook đều lần lượt lên tiếng. Tất cả đều cho rằng, hình ảnh phụ nữ mặc bộ “váy hoa” kia không phải là váy của người Thái, mà như kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đưa hình ảnh chiếc váy ấy trên một bức vẽ có ý nghĩa giáo dục, tái hiện lịch sử và giá trị nghệ thuật mang tầm quốc gia là không hợp lý.
Để hiểu rõ vấn đề này, báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc về phản hồi của những người trong cuộc, những người cao niên, các nhà nghiên cứu văn hóa Thái trong bài tiếp theo.