Thực tế hiện nay, có một bộ phận học sinh DTTS chưa hiểu hết giá trị văn hóa của dân tộc mình, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của dân tộc mình. Tình trạng trang phục, lối sống của giới trẻ, ngôn ngữ, văn hóa ứng xử trong cộng đồng bị biến đổi có chiều hướng gia tăng…
GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đưa ra những con số giật mình từ một cuộc khảo sát mới đây. Theo đó, số người có thể viết được chữ Thái ở Yên Bái còn 2 người, Sơn La 25 người, Lai Châu 18 người. Và không ít những đứa trẻ hiện nay không biết nói tiếng dân tộc mình.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Bảo tồn, phát huy văn hóa sẽ không thể đạt hiệu quả, nếu như không được chú trọng ở môi trường học đường, nơi sát sườn nhất với những “người trong cuộc” mang trách nhiệm giữ gìn văn hóa của chính mình.
Theo bà Bùi Thị Kiều Thơ, Vụ Giáo dục dân tộc - Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa dân tộc, các trường ngoài việc thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, thì đổi mới nội dung phương pháp hình thức tổ chức hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc.
Đồng thời, các nhà trường cũng cần thực hiện tốt việc huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua việc mời các trí thức địa phương, nghệ nhân, già làng, Người có uy tín trong cộng đồng tham gia hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh.